Tại sao có cứu thương và cứu thương bằng cách nào?
TRƯỚC
khi mời được bác sĩ đến điều trị, người chẳng may gặp tai nạn phải được cứu cấp ngay. Cứu thương có nghĩa là sự khác nhau giữa sự sống và sự chết, giữa sự bình phục mau lẹ và nằm điều trị lâu ngày lại nhà thương, giữa sự suy nhược tạm thời với sự tổn thương vĩnh viễn. Trong mọi trường hợp việc cứu cấp thích đáng làm giảm bớt cơn đau đớn và giúp việc điều trị của bác sĩ được dễ dàng hơn. Khi bác sĩ bắt đầu điều trị thì trách nhiệm của người cứu thương đã xong. Người cứu thương săn sóc nạn nhân cho đến khi bác sĩ tới.
Đời sống hằng ngày là bằng chứng rõ ràng cần phải huấn luyện cứu thương. Bạn thấy một xe ca-mi-ông đụng một xe chở hành khách, làm xe này lăn xuống ruộng. Tài xế ca-mi-ông đem một nạn nhân lên khỏi ruộng, để người ngồi trong xe bạn, đưa đến bệnh viện. Là người cứu thương, bạn biết rằng nếu đỡ không đúng cách chỗ gãy ở xương sống có thể làm tổn thương đến dây tủy và gây nên tê bại. Vậy bạn hãy điều khiển để việc cứu cấp được đúng cách.
Bạn sẽ gặp những trường hợp khẩn cấp như thế nhiều hơn bạn tưởng. Mỗi năm hằng ngàn người chết vì bị thương khi gặp tai nạn xe hơi. Biết bao nhiêu nạn nhân có thể thoát chết, nếu trong đám đông thường tụ lại khi tai nạn xảy ra, có người được huấn luyện cứu thương kỹ càng.
Rắn cắn người là việc thường xảy ra. Ngay ở Huê Kỳ, mỗi năm rất nhiều người chết vì bị rắn cắn. Giả tỉ con bạn bị rắn cắn trong lúc bạn đi nghỉ hè, thì giờ ngắn ngủi và những sự mê tín vì rắn cắn thì rất nhiều và rất vô dụng, nhưng một người cứu thương biết cách hút nọc độc ra sẽ cứu được mạng người.
Tai nạn về bơi lội làm cho hằng ngàn người bị chết chìm mỗi năm. Phương pháp cứu thương thích ứng có thể cứu được nhiều người hơn.
Tai nạn là nguyên nhân của sự chết. Cứu thương là một trong những phương pháp hay nhất để giảm bớt tai nạn. Bảng thống kê chứng tỏ rằng những công nhân được huấn luyện về cứu thương ít bị tai nạn hơn những người không được huấn luyện 50%. Biết phương cách cứu thương phòng ngừa tai nạn vừa giúp cho việc điều trị thích đáng khi có tai-nạn xảy ra. Cuốn sách này sẽ dạy ta hai điều quan trọng như sau: Phải làm gì và đừng làm gì ?
Mục đích của quyền cách cứu thương này là:
a. Phòng ngừa tai nạn.
Kinh nghiệm chứng tỏ rằng những người được huấn luyện cứu thương hiểu rõ về sự an ninh và ít bị tai nạn hơn những người không có ý niệm gì về cứu thương.
b. Huấn luyện người ta làm điều phải đúng lúc.
Một người cứu thương không coi mạch nạn nhân như một bác sĩ, nhưng y biết đoán định tính chất và sự lan rộng của một vết thương, cùng cách điều trị vết thương ấy.
c. Phòng ngừa việc gây vết thương thêm nặng hay nguy hiểm.
Cứu thương để phòng ngừa các vết thương làm độc, làm giảm hay ngăn ngừa sự kích ngất. Biết những điều không nên làm cũng quan trọng như biết các phương pháp thích đáng phải áp dụng.
d. Biết cách chuyên chở thích đáng khi cần.
Nhiều tai nạn xảy ra ở những địa điểm xa nhà thương hay trạm cấp cứu, thường cần phải chở nạn nhân đi để cứu mạng sống họ hay nhờ nhà chuyên môn điều trị, nên phải dùng những phương tiện thích đáng để chở họ đặng phòng ngừa vết thương nặng thêm.
HÃY NHỚ: Cứu thương chỉ là điều trị tạm thời. Cách băng bó phải đơn giản và mau lẹ để khi bác sĩ đến, người khỏi mất nhiều thì giờ trong việc tháo băng. Dụng cụ của bạn phải hạn chế.
Những lời chỉ dẫn thông thường sau đây sẽ giúp ta giải quyết vấn đề cứu thương một cách tin cậy và thông minh.
Nếu nạn nhân mửa, có thể quay đầu y sang một bên để phòng ngừa nghẹt cổ.
I. Để người bị thương nằm cách thoải mái, đầu và mình bằng nhau cho đến khi bạn biết rằng vết thương có nặng hay không.
Đây là cách đề phòng nạn nhân ngất xỉu và tình trạng gọi là kích ngất. Một người không được huấn luyện thường muốn người bị nạn ngồi dậy, hay cố giúp họ đứng lên. Bạn có thể nhấc đầu nạn nhân lên nếu mặt họ tụ máu. Nếu họ mửa, bạn có thể quay đầu họ sang một bên để phòng ngừa nghẹt cổ.
2. Tìm xem có xuất huyết, ngừng thở, trúng độc, phỏng, gãy xương, và trật khớp xương không ? Phải tìm đủ các vết thương.
Sự đau đớn là dấu hiệu của bất cứ vết thương nào. Khi xem xét một người bị thương, hãy hỏi họ xem có vết thương nào nặng không.
Khi xem xét một người bị thương, hãy cởi áo quần đủ để đoán định bề rộng của vết thương. Nếu cánh tay, chân hay thân mình bị thương, tốt hơn hết là xé hay cắt bỏ mảnh quần áo chỗ bị thương. Nếu có thể, xé chỗ đường chỉ may. Cởi quần áo theo lối thông thường có thể gây thêm sự đau đớn vô ích hay làm vết thương nặng thêm. Nếu bạn thấy máu thấm qua quần áo hay chảy ở cánh tay áo ra, cởi quần áo đủ để xem vết thương rõ ràng.
Bạn có thể đỡ nạn nhân lên nếu mặt họ tụ máu.
HÃY NHỚ: 1-Chảy máu nhiều. 2-Ngừng thở, và 3-Trúng độc. Phải điều trị tức thì theo thứ tự như trên trước khi làm việc khác.
Trong nhiều trường hợp, bạn có thể ghé sát tai vào ngực nạn nhân trong vài giây để đoán định người ấy có còn thở hay không. Nếu ngừng thở vì nghẹt như chết đuối, hít hơi độc, hay kích ngất điện cần phải tập thở nhân tạo liền (xem chương về thở nhân tạo). Nếu nạn nhân mà ngừng thở, mặt xám cũng cần phải áp dụng phép thở nhân tạo.
Trong trường hợp nhiều người cùng bị thương trong một tai nạn, điều quan trọng nhất là người cứu thương phải quan sát mau lẹ, và nạn nhân nào nặng nhất, phải được điều trị trước.
Điều quan trọng phải làm trước nhất: Hãy hỏi thăm nạn nhân để xem họ còn tỉnh không. Nếu còn tỉnh, thường thường họ có thể nói cho ta biết họ bị thương ở chỗ nào.
HÃY NHỚ: Nếu nạn nhân bất tỉnh sau một tai nạn dữa dội, thường bị thương ở đầu.
Khi mũi hay hai tai chảy máu mà những bộ phận ấy không bị thương, thường thường là dấu hiệu bể sọ.
Xem môi và miệng có bị phỏng hay bầm tím không. Đây là những dấu hiệu bị độc. Máu sùi ở môi là dấu hiệu bị kinh giản. Ngửi hơi thở của nạn nhân xem có bị độc hay không, nhất là khi không tìm thấy vết thương nào.
Hãy dò mạch nạn nhân. Nên nhớ rằng mạch không nhảy không phải là dấu hiệu chết. Chú ý sắc mặt, mặt đỏ hay như thường, chỉ rằng mạch và máu chạy điều hòa. Mặt tái chỉ rằng mạch yếu và máu chạy không đều. Trong những trường hợp chảy máu nhiều, bị nghi chảy máu bên trong, hay bị thương ở đầu đừng cho nạn nhân uống thuốc kích thích.
3. Nên giữ nạn nhân cho ấm.
Tránh đắp nóng quá, nhưng giữ thân thể ở độ nóng thường. Điều nầy cốt để phòng ngừa kích ngất nặng. Nếu thời tiết mát, cần phải lót và đắp kín nạn nhân.
4. Phái người đi mời bác sĩ hay xe hồng thập tự (xe cứu thương).
Người được phái đi phải cho biết: địa điểm của người bị thương, tính chất, nguyên do và bề rộng của vết thương cùng những vật dụng sẵn có để cấp cứu. Việc báo cáo đầy đủ rất cần thiết để bác sĩ biết phải đến chỗ nào, đem dụng cụ gì, và những phương pháp phải áp dụng, trước khi ông đến.
5. Giữ bình tỉnh và đừng vội dời người bị thương nếu không thật cần thiết
Đừng dời nạn nhân cho đến khi nào bạn biết rõ tính chất và bề rộng của các vết thương, và đã cấp cứu rồi.
6. Không bao giờ nên cho người bất tỉnh uống nước hay chất lỏng nào khác.
Nước có thể vào khí quản và làm nghẹt thở người bất tỉnh. Nhưng nếu người ấy không bị thương nặng ở bụng và vẫn còn tỉnh táo, ta có thể cho họ uống nước tùy thích nhưng uống chậm chậm từng hớp một. Rượu mạnh không phải thuốc thích đáng để cấp cứu. Chúng có thể làm hại lớn. Trà và cà phê nóng rất tốt, nhất là khi nạn nhân bị lạnh.
7. Đừng cho người xem đứng gần người bị thương.
Họ thường thường ngăn trở việc điều trị.
8. Làm cho nạn nhân được tiện nghi và vui vẻ, nếu có thể.
Trấn tỉnh để họ khỏi sợ và làm cho họ hy vọng. Người bệnh cần phải vững tâm để tiện lợi cho sự cứu giúp và mau bình phục.
9. Đừng để nạn nhân thấy vết thương mình.
Trong những trường hợp nặng, đừng cho họ biết họ bị thương nặng. Đừng làm bất cứ việc gì cho họ tổn thương thêm. Đừng làm bất cứ việc gì cho họ tổn thương thêm. Đừng cho thân nhân họ biết đúng bệnh tình để họ khỏi lo hoảng. Nói cho họ biết nạn nhân ở đâu, hay đã được đem vào dưỡng đường (bệnh viện), và cho biết những tin tức khác cũng hữu ích như vậy. Nhớ đừng mô tả những vết thương của nạn nhân hay cho thân nhân họ biết những chi tiết về thuốc men. Vì đó không phải nhiệm vụ của người cứu thương.