Sai khớp xương
Khi một khúc xương bị lệch vị trí của nó nơi khớp xương ta gọi là sai khớp xương hay gọi tắc là trật xương. Hai đầu xương được buộc chặt vào nhau bởi những sợi dây chằng bọc quanh cả khớp xương. Khi bị trật xương thì những dây chằng này cùng những bọc bao quanh khớp xương có thể bị đứt, rách hoặc nhiều hoặc ít. Trong trường hợp này, đầu xương có thể bị mẻ, bể, và các huyết quản cùng dây chằng, dây thần kinh, bắp thịt có thể bị tét hoặc bầm dập. Có hai chỗ thường bị sai khớp xương nhất là vai và ngón tay, còn các nơi khác như cùi chỏ, đầu gối, háng và hàm dưới ít xảy ra hơn. Nguyên do của sự trật xương là ngã té, va chạm mạnh hay sử dụng bắp thịt quá mạnh.
Dấu hiệu
Đau nhiều. Khớp xương bị biến hình. Nếu dò xét thật kỹ, có thể thấy đầu khớp xương bị trật ra ngoài. Chỗ ấy bị sưng lên rất mau. Thường không cử động được nơi ấy và hay bị kích ngất nặng (bất tỉnh).
Cấp cứu
Nên áp dụng cách đắp lạnh lên chỗ bị thương để đỡ đau và khỏi bị sưng. Nếu nạn nhân bị kích ngất, phải điều trị kích ngất ngay. Nếu bị trật xương vai hoặc cùi chỏ, nên dùng băng treo để treo tay lên. Trật xương háng thường rất nguy hiểm. Nếu phải di dời nạn nhân đi, nên lấy gối hoặc mền lót dưới đầu gối chân bị thương. Không nên kéo thái quá mà chỉ đỡ bộ phận bị thương lên thôi.
Trật xương hàm dưới
Nếu có thể được, nên để bác sĩ chữa lại những khớp xương đã bị sai lệch. Tuy nhiên, một người cứu thương được huấn luyện thuần thục có thể cứu trị được những vụ trật xương nhẹ như trật quai hàm và trật ngón tay chẳng hạn. Khi hàm dưới bị sai khớp, nạn nhân không thể ngậm miệng lại được.
Cấp cứu
Để nạn nhân ngồi trên ghế. Người cứu thương đứng trước mặt nạn nhân. Lấy vải làm băng cuộn quấn nhiều vòng quanh hai ngón tay cái rồi đặt ngón tay ấy lên răng cấm phía trong cùng của hàm răng, các ngón khác thì bợ dưới cằm. Xong, ấn hai ngón tay cái xuống trong lúc nâng cằm lên với các ngón tay kia. Cẩn thận, đừng để ngón tay cái bị hai hàm răng cắn lại khi xương hàm dưới trở về vị trí cũ của nó. Sau khi sửa xương hàm xong, nên cột cằm nạn nhân lại với băng bốn đuôi.
Trật ngón tay, ngón chân
Dùng hai tay nắm chặt hai đầu của ngón tay bị trật xương, rồi kéo đầu ngón tay nhè nhẹ theo chiều thẳng của các ngón tay cho đến khi ngón tay sai khớp rớt xuống vị trí cũ của nó. Nếu sau lần kéo thứ hai mà khớp xương sai chưa liền lại, đừng nên thử nữa mà phải nhờ bác sĩ điều trị giúp. Nếu ngón tay cái bị sai khớp xương ở đốt thứ hai, tức chỗ dính liền vào bàn tay, người cứu thương không nên cố sửa mà phải nhờ bác sĩ giúp. Nếu khớp xương bị sai lệch mà có vết thương loét miệng kế cận, cũng phải nhờ bác sĩ điều trị. Ta chỉ việc băng vết thương lại và đưa nạn nhân đến bác sĩ.
Người cứu thương không nên sửa khớp xương này.