Rối Loạn Thần Kinh Tự Chủ
Rối loạn thần kinh tự chủ là gì?
Rối loạn thần kinh tự chủ là tình trạng dây thần kinh kiểm soát chức năng tự chủ của cơ thể bị tổn thương và gây ra ảnh hưởng đến huyết áp, kiểm soát thân nhiệt, quá trình tiêu hóa, chức năng của bàng quang và thậm chí tình dục.
Rối loạn thần kinh tự chủ hay rối loạn thần kinh thực vật ảnh hưởng đến chức năng tự động của các cơ quan trong cơ thể như nhịp tim, huyết áp, mồ hôi và tiêu hóa... Đây không phải là một bệnh đặc trưng mà chỉ là những rối loạn hoạt động của hệ thần kinh tự chủ. Bệnh làm giảm khả năng hoạt động hoặc gây ra những bất thường của một hay nhiều chức năng tự động của cơ thể.
Tiểu đường là nguyên nhân thường gặp gây ra rối loạn thần kinh tự chủ, ngoài ra còn có những vấn đề sức khỏe khác - bao gồm cả nhiễm trùng. Một số thuốc cũng gây hư hại dây thần kinh.
Nguyên nhân gây ra bệnh rối loạn thần kinh tự chủ là gì?
Rối loạn thần kinh tự chủ có thể là biến chứng của một số bệnh hay có thể là tác dụng phụ của một số thuốc. Có nhiều nguyên nhân gây bệnh như các bệnh tự miễn, các cuộc tấn công hệ thống miễn dịch, gây tổn thương các bộ phận của cơ thể hoặc dây thần kinh, căn bệnh trên cũng có thể xuất hiện do sự tấn công hệ miễn dịch của một số bệnh ung thư. Sau đây là các nguyên nhân chính:
- Theo các nghiên cứu bệnh tiểu đường là nguyên nhân phổ biến nhất của rối loạn thần kinh tự chủ.
- Tổn thương dây thần kinh do phẫu thuật vùng cổ hoặc do xạ trị.
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc sử dụng trong điều trị ung thư, thuốc chống trầm cảm và một số loại thuốc tim mạch.
- Bệnh mạn tính như bệnh Parkinson.
- Một số bệnh truyền nhiễm: Do virut và vi khuẩn, như ngộ độc thức ăn, bệnh bạch hầu...
- Rối loạn di truyền.
- Rối loạn tâm sinh lý: Các sang chấn tinh thần, thủ dâm quá nhiều ở cả nam và nữ...
Các yếu tố sau đây là tăng nguy cơ gây bệnh rối loạn thần kinh tự chủ - rối loạn thần kinh thực vật bao gồm:
- Tiểu đường: Làm tăng nguy cơ rối loạn thần kinh tự chủ và gây hư hại một số dây thần kinh. Ngoài tiểu đường, thì trường hợp bị thừa cân, cao huyết áp hoặc mỡ máu cao cũng có nguy cơ cao.
- Những bệnh khác: Tác dụng phụ của một số thuốc khi điều trị các bệnh khác cũng làm tăng nguy cơ rối loạn thần kinh tự chủ.
Triệu chứng thường thấy bệnh rối loạn thần kinh tự chủ là gì?
Căn bệnh trên thường khiến cơ thể không kiểm soát được với nhiều biểu hiện như khó thở, nhịp thở nhanh, nông hoặc chậm, rối loạn chức năng của ruột, bàng quang và khả năng sinh dục. Cơ thể có thể xuất hiện các phản xạ thực vật ngoài da như vẽ da nổi, vẽ da phản xạ, phản xạ dựng lông ở da. Hoặc tình trạng phản xạ ở tim mạch như phản xạ mắt-tim (phản xạ Aschner), nghiệm pháp đứng nằm.
Biểu hiện của rối loạn thần kinh tự chủ thường thấy là hội chứng rối loạn thần kinh tự chủ ở vỏ não, có những biểu hiện như chân tay lạnh, mạch nhanh, đau ngực, khó thở. Giảm tiết nước bọt, di tinh, táo bón... Khiến người bệnh lầm tưởng với các triệu chứng bệnh lý thông thường.
Ngoài ra, hội chứng gian não (điển hình là cơn động kinh gian não) là triệu chứng rối loạn thần kinh tự chủ tác động ở trung khu thần kinh tự chủ quan trọng như tim mạch, hô hấp, tiêu hoá, tiết niệu, sinh dục, nội tiết và giấc ngủ. Nếu não bị tổn thương, biểu hiện lâm sàng bằng những cơn động kinh gian não như sau:
- Tiền triệu:
Đau đầu, thay đổi tính tình, dễ kích thích, chán ăn, xuất hiện một vài giờ đến một vài ngày trước đó.
- Khởi đầu:
Sợ hãi, lo âu, cảm giác khó chịu ở vùng thượng vị và ngáp vặt.
- Toàn phát:
Thời gian kéo dài từ vài phút đến vài giờ, rét run, nổi gai ốc, mặt tái nhợt hay đỏ bừng, khó thở, tăng huyết áp, mạch nhanh, giãn đồng tử, chóng mặt, ù tai và mệt mỏi.
- Cuối cơn:
Vã mồ hôi, rối loạn tiểu tiện, đôi khi rối loạn tiêu hoá... Điện não có sóng chậm, nhọn.
Cách điều trị bệnh rối loạn thần kinh tự chủ
Hiện nay, để điều trị căn bệnh trên bác sĩ chủ yếu tập trung là điều trị các nguyên nhân gây bệnh. Để điều trị triệt để căn bệnh trên nhằm thiết lập sự cân bằng trong hệ thần kinh, hệ giao cảm và phó giao cảm. Tuy nhiên đến nay, hầu như các chuyên gia y tế mới chỉ điều trị triệu chứng. Sau đây là các phương pháp phổ biến để điều trị căn bệnh trên bao gồm:
- Điều trị cơ bản:
Mục tiêu đầu tiên là kiểm soát được bệnh và các vấn đề làm tổn hại dây thần kinh. Nếu người bệnh có tiểu đường, cần kiểm soát chặt chẽ đường huyết để ngừa chứng rối loạn thần kinh tự chủ phát triển.
- Kiểm soát các triệu chứng đặc hiệu:
Một số phương pháp giúp giảm triệu chứng của rối loạn, chủ yếu dựa vào phần cơ thể có dây thần kinh bị tổn hại.
- Các thuốc thường dùng để điều trị rối loạn thần kinh tự chủ gồm:
Thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc chữa mất ngủ và những rối loạn lo âu, thuốc điều chỉnh nhu động ruột, thuốc điều chỉnh cơ thắt bàng quang để chữa rối loạn tiểu tiện, thuốc tim mạch, thuốc làm giảm tiết mồ hôi,...
- Kết hợp phương pháp vật lý trị liệu:
Xông hơi thuốc trên huyệt, xoa bóp, bấm huyệt cũng giúp cho kết quả điều trị cao hơn và nhanh khỏi hơn.
Phòng chống bệnh rối loạn thần kinh tự chủ
Để phòng chống bệnh được căn bệnh trên, người bệnh cần tuân thủ những điều sau đây:
- Suy nghĩ tích cực, duy trì thể dục và lối sống lành mạnh, từ bỏ các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, thuốc lào, cà phê, trà đặc...
- Luyện tập hít thở sâu, xoa vùng trên rốn hàng ngày.
- Bệnh do tác dụng phụ của một số loại thuốc sử dụng trong điều trị ung thư, thuốc chống bệnh trầm cảm và một số thuốc tim mạch nên bệnh nhân không nên tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
- Bệnh nhiễm virus và vi khuẩn cũng gây rối loạn thần kinh tự chủ nên mọi người cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh như rửa tay thường xuyên sau khi tiếp xúc với đồ vật, sau khi lao động, đeo khẩu trang khi ra đường hay ở nơi công cộng, luôn thực hiện ăn chín uống sôi.
- Tránh các ảnh hưởng hoặc sang chấn về tinh thần....
Suy nghĩ tích cực, duy trì thể dục và lối sống lành mạnh.
Tuân thủ lời khuyên bác sĩ:
- Kiểm soát đường huyết.
- Điều trị nghiện rượu nếu người bệnh bị nghiện rượu.
- Điều trị thích hợp với các bệnh tự miễn.
- Từng bước kiểm soát cao huyết áp.
- Duy trì cân nặng lý tưởng.
- Ngưng thuốc lá.
- Tập thể dục thường xuyên.