Rét đậm khắc nghiệt, nhiều trẻ liệt mặt, méo miệng vì nhiễm lạnh đột ngột
Tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương, thời gian gần đây tiếp nhận khoảng hơn 10 ca bệnh nhi liệt dây thần kinh ngoại biên số 7 gây ra tình trạng liệt mặt, méo miệng vào điều trị.
Bé T.T.M.L (2,5 tuổi, quê ở Sông Mã, Sơn La) nhập khoa Nhi, Bệnh viện Châm cứu Trung ương điều trị liệt dây ngoại biên số 7 bên trái với triệu chứng điển hình của bệnh.
Anh Nguyễn Mạnh Hùng - bố bệnh nhi cho biết, cháu bé bị khoảng 20 ngày nay, có thể do cháu bị gặp gió lạnh nên mắc bệnh. Trước đó, anh thấy con nói hơi ngọng, cười miệng bị méo nên đã đưa con đến phòng khám tư thăm khám. Tại phòng khám tư, bác sĩ chẩn đoán cháu bị liệt dây thần kinh ngoại biên số 7 nên anh Hùng lập tức cho con lên Bệnh viện Châm cứu Trung ương điều trị.
Trường hợp khác, bệnh nhi N.T.H (3 tuổi, quê ở Vũ Thư, Thái Bình) vào viện trong tình trạng không ngậm chặt được miệng, một mắt nhắm không kín, cười miệng méo xệch.
Theo lời kể của bà nội cháu bé, khoảng một tuần trước, cháu được mẹ chở xuống bà ngoại chơi. Sau một đêm, bà ngoại thấy cháu cười lệch nên cho lên Bệnh viện Châm cứu Trung ương điều trị. Đáng chú ý, bà nội cháu bé còn cho biết, cháu H. thường được cho tắm đêm. Các bác sĩ nghi ngờ đây chính là nguyên nhân gây ra tình trạng trên.
Trẻ liệt mặt, méo miệng điều trị tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương.
Cũng đang nằm điều trị tại Khoa Nhi, Bệnh viện Châm cứu Trung ương, bệnh nhi N.K.O (1 tuổi, quê ở Hải Dương) được bác sĩ chẩn đoán liệt dây ngoại biên bên phải. Mẹ của bé cho biết, cháu mắc bệnh khoảng 2 tháng nay và nguyên nhân cũng là do nhiễm lạnh.
Theo ThS.BS Đặng Thị Hoàng Tuyên - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Châm cứu Trung ương cho biết, khoảng 1 tuần nay, khoa Nhi đã tiếp nhận 5 ca liệt dây thần kinh ngoại biên số 7.
Thời tiết mưa rét, lạnh đột ngột, nhiệt độ ngày - đêm chênh lệch cao là yếu tố làm gia tăng bệnh nhân mắc các triệu chứng của liệt dây thần kinh ngoại biên số 7. Theo quan niệm của Đông y, liệt dây thần kinh ngoại biên số 7 là do phong hàn gây nên.
Những trẻ có nhiều nguy cơ mắc bệnh này là trẻ có sức đề kháng kém khi gặp lạnh như đi học lúc sáng sớm không được giữ ấm, đeo khẩu trang, tắm muộn…
Cách nào tránh liệt mặt, méo miệng trong giá rét?
Theo các bác sĩ, khi gặp lạnh, dây thần kinh số 7 bị tổn thương gây phù nề, viêm nhiễm. Từ đó gây ra bệnh với các biểu hiện như miệng lệch sang một bên, khó nói, mắt nhắm không kín, khi ăn miệng méo sẽ gây rơi vãi thức ăn, đồ uống ở bên bị liệt.
Với những trường hợp đã được chẩn đoán bị liệt dây thần kinh số 7 do lạnh, các bác sĩ sẽ dùng phương pháp điện châm, xoa bóp bấm huyệt, thủy châm, chiếu tia hồng ngoại, cứu ngải… Đây đều là những phương pháp y học cổ truyền lâu đời và có hiệu quả tốt.
Phụ huynh cần giữ ấm, tăng cường dinh dưỡng... để phòng bệnh cho trẻ.
Bác sĩ cũng cảnh báo sai lầm phụ huynh hay gặp phải đó là, nhiều người khi thấy con bị liệt cơ mặt nên tìm đến các phương pháp chữa mẹo, chữa bệnh theo dân gian truyền miệng như áp đuôi lươn, đắp lá… Điều này là hoàn toàn không mang lại kết quả điều trị. Theo bác sĩ đánh giá, nếu những trường hợp mắc bệnh, nên đến cơ sở y tế để chẩn đoán, điều trị bệnh kịp thời.
Trong khi thời tiết vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay, dự báo rét đậm, rét hại còn kéo dài thêm vài ngày nữa, vì vậy để hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh, bác sĩ Tuyên khuyến cáo, phụ huynh nên giữ ấm cho trẻ khi thời tiết lạnh sâu, thay đổi đột ngột, đêm ngủ đắp chăn ấm để tránh bị nhiễm lạnh.
Khi cho trẻ chơi, nên chọn nơi không có gió lùa, nhiệt độ luôn đảm bảo. Đặc biệt, cần cho trẻ ăn uống đủ chất, đủ năng lượng để chống đỡ với trời lạnh.
Khi ra đường, hay đến nơi công cộng phải đeo khẩu trang để tránh bị lây nhiễm các bệnh do vi-rút. Tuyệt đối không tắm khuya...