Phòng tránh chứng đau lưng
Càng lớn tuổi, bạn càng gặp nhiều cơn đau thắt ở cột sống. Triệu chứng bệnh lý này sẽ trở nên nguy hiểm nếu không được chữa trị đúng cách.
Cột sống thắt lưng là nơi chịu áp lực cao, giúp chúng ta thực hiện các động tác xoay trở và đi lại uyển chuyển. Vì vậy, vùng này rất dễ bị tổn thương. Đau thắt lưng cấp hay mạn là chứng bệnh rất thường gặp, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt và cuộc sống hàng ngày của bạn.
Triệu chứng khởi phát của căn bệnh này thường là mỏi cơ, co cứng cơ quanh thắt lưng, đau tê vùng thắt lưng, đôi lúc lan xuống vùng cùng cụt. Mức độ đau có thể nhẹ, thoáng qua nhưng cũng có khi dữ đội, làm bạn không thể cử động được. Đôi khi, cơn đau kéo dài dai dẳng và trở thành căn bệnh mãn tính.
Có nhiều nguyên nhân gây đau thắt lưng như cột sống, đĩa đệm, cơ, thần kinh, nội tạng... Vậy làm thế nào để phòng tránh và điều trị đúng khi gặp phải chứng bệnh đau lưng?
- Nên chú ý tư thế khi làm việc: Nếu làm các công việc tay chân nặng nhọc, đòi hỏi phải vận động nhiều, bạn nên chia đều sức nặng cho toàn thân. Khi thực hiện động tác nâng vật nặng, phải đảm bảo lưng luôn ở tư thế thẳng. Nếu công việc yêu cầu đứng lâu, nên gác một chân cao hơn và thay đổi tư thế liên tục.
- Nếu là nhân viên văn phòng, thường xuyên làm việc với máy vi tính, bạn hãy ngồi ở tư thế cột sống thẳng. Ngoài ra, cần chọn loại ghế mềm giúp nâng đỡ vùng lưng. Giải lao giữa giờ bằng các bài tập thể dục với những động tác như xoay, gập lưng, xoa bóp, massage lưng... Cũng giúp phòng tránh đau lưng hiệu quả.
- Khi phải di chuyển xa trong nhiều giờ liên tục, nên chọn giường nằm hay ghế mềm. Đồng thời, đừng ngồi yên một chỗ mà hãy đi lại, xoay mình để giúp thư giãn cơ lưng.
- Thực hiện vật lý trị liệu cho cơ lưng, chườm nóng, ấn huyệt, dùng ghế nâng đỡ vùng lưng, kéo dãn cột sống, massage bằng máy điện, dùng băng dán có thuốc giảm đau và giãn cơ.
- Giày cao gót giúp phụ nữ tăng thêm vẻ duyên dáng và uyển chuyển. Tuy nhiên, nếu chọn giày không đúng kích cỡ, không đủ mềm cho chân, bạn sẽ dễ bị đau cơ vùng cột sống thắt lưng. Chấn thương có thể gây trượt đốt sống chèn ép thần kinh gây đau. Điều quan trọng nhất là phải tập đi đúng cách: Thả lỏng đầu gối, lắc đều phần hông.
- Tập thể dục toàn thân và thể dục cho cơ lưng: Luyện tập nhẹ nhàng và đều đặn sẽ giúp cơ săn chắc và tăng sức chịu đựng cho thắt lưng. Nên tập các bài tập về lưng, bụng để giúp cột sống thắt lưng chắc khỏe. Đối với các vận động viên, phải khởi động cơ - khớp trước khi vận động tích cực.
- Để tránh chấn thương cột sống ở người lớn tuổi, hãy thận trọng khi lên cầu thang, không cố gắng nâng vật nặng. Nền nhà tắm phải luôn khô ráo.
- Người béo phì đang trong giai đoạn giảm cân, phụ nữ khi mang thai cẩn thận trong lúc di chuyển để không làm tổn thương vùng thắt lưng.
- Khi bị đau lưng ở mức độ vừa phải, bạn nên giúp cơ lưng nghỉ ngơi và thư giãn. Hãy thay đổi tư thế khi làm việc, không vận động quá mức, cẩn thận khi thực hiện động tác xoa bóp cơ lưng...
- Đối với những người có bệnh lý về xương hay cột sống, cần đeo đai lưng và nghỉ ngơi, thư giãn tuyệt đối. Khi đau lưng nặng, kéo dài, nên đi khám để xác định nguyên nhân và có hướng điều trị tích cực.