Phát hiện mới về liên kết hệ thống miễn dịch của não với chứng loạn thần
Nghiên cứu mới tại Viện Karolinska ở Thụy Điển cho thấy mối liên hệ giữa chứng loạn thần và sự thay đổi gen ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của não. Những điều được phát hiện trong nghiên cứu có thể tác động đến sự phát triển của y học hiện đại trong việc chữa trị rối loạn lưỡng cực hoặc tâm thần phân liệt. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Molecular Psychiatry.
Chứng loạn thần được định hình bởi sự thay đổi nhận thức về thực tế (gặp khó khăn trong việc nhận ra cái gì là thật và cái gì không phải thật), thường có các yếu tố của ảo giác và phản ứng hoang tưởng. Tình trạng này đang ảnh hưởng đến khoảng 2-3% dân số.
Hầu hết những trường hợp bị ảnh hưởng bởi tình trạng này đều là bệnh nhân tâm thần phân liệt, tuy nhiên đối với những bệnh nhân bị rối loạn lưỡng cực cũng có thể gặp các triệu chứng loạn thần. Hiện nay, các loại thuốc chống loạn thần thường không đem lại hiệu quả điều trị cao, khiến cuộc sống của bệnh nhân có thể gặp khó khăn.
Theo Ủy ban Y tế và Phúc lợi Quốc gia của Thụy Điển, tuổi thọ trung bình của những người bị tâm thần phân liệt ngắn hơn khoảng 15 năm so với dân số nói chung.
Goran Engberg, Giáo sư tại Khoa Sinh lý và Dược học, tác giả của nghiên cứu cho biết: Mọi người hoàn toàn không biết những cơ chế sinh học nào gây ra chứng loạn thần, nhưng những nghiên cứu gần đây cho thấy rằng sự kích hoạt miễn dịch trong các tế bào thần kinh đệm của não có thể là nguyên nhân. Những người bị chứng loạn thần có nồng độ axit Kynurenic (một sứ giả truyền thông tin từ não) tăng cao trong não.
Trước đây, các nghiên cứu liên kết trên toàn hệ gen (Genome-Wide Association Study - GWAS) đã chỉ ra protein GRK3 tự biểu hiện thông qua những thay đổi di truyền trong hệ thống miễn dịch ở những bệnh nhân bị chứng loạn thần.
Hiện các nhà nghiên cứu tại Viện Karolinska và các Viện nghiên cứu khác từ Hoa Kỳ đã nghiên cứu cụ thể hơn những thành phần nào của hệ thống miễn dịch ảnh hưởng đến chứng loạn thần.
Nghiên cứu dựa trên dữ liệu mở rộng từ thử nghiệm của những con chuột thiếu protein GRK3 trong não, cũng như phân tích bộ gen của 70 người bị rối loạn lưỡng cực và 48 đối tượng kiểm soát sức khỏe.
Kết quả cho thấy việc mất protein GRK3 dường như làm tăng độ nhạy cảm của hệ thống miễn dịch và gây ra một loạt các hiệu ứng trong não, liên quan đến việc tăng giải phóng cytokine IL-1beta và axit Kynurenic.
Carl Sellgren, giảng viên cao cấp tại Khoa Sinh lý và Dược lý, Viện Karolinska, tác giả đầu tiên của nghiên cứu cho biết: Dữ liệu thí nghiệm của chúng tôi được xác nhận thông qua các nghiên cứu di truyền, nơi chúng tôi nhận thấy mối liên hệ giữa chứng loạn thần ở bệnh nhân rối loạn lưỡng cực và sự giảm biểu hiện của protein GRK3, dẫn đến lượng axit Kynurenic tăng lên trong não.
Dữ liệu trong nghiên cứu đã cung cấp mối liên hệ giữa kích hoạt miễn dịch và chứng loạn thần và đưa ra điểm khởi đầu để những nghiên cứu chuyên sâu hơn về các loại thuốc chống loạn thần mới có chức năng điều hòa miễn dịch được thực hiện.
Hiện các loại thuốc được sử dụng trong điều trị chứng loạn thần được phát triển vào những năm 1960.
Sophie Erhardt, Giáo sư tại Khoa Sinh lý và Dược học, đồng thời là tác giả cuối cùng của nghiên cứu cho biết: Để phát triển thêm các loại thuốc tân tiến, hiệu quả, thì cần phải nắm rõ được nhiều kiến thức về các cơ chế trong não có thể gây ra chứng loạn thần.