Phân biệt hiếu động với bệnh tăng động
Tăng động khác với hiếu động
Vừa uống sữa, vừa chạy nhảy, cu Minh vô tình hất đổ hộp sữa mẹ đang cầm trên tay, vì đang ở trước khoa khám bệnh nên chị Hoa nhẫn nhịn, kéo tay Minh chặt lại phía mình. Không chịu cu cậu vùng ra, chân đá tường, tay vứt chiếc ôtô xuống đất rồi la lên ăn vạ. Bất lực, chị Hoa lặng hướng ánh mắt nhìn cầu cứu về phía bác sĩ.
Việc trông con đã trở nên quá mệt mỏi với chị Hoa. Ban đầu thấy cu Minh nghịch nhiều, lúc nào cũng luôn chân, luôn tay, vợ chồng chị Hoa những tưởng con mình hiếu động. Nhưng ngặt nỗi, tần suất “hoạt động” của bé càng lớn, càng cao. Ở nhà không món đồ chơi nào lành lặn dưới tay cu cậu, ở trường thì thường xuyên đánh đấm bạn bè. Cô giáo liên tục than thở vì Minh không tập trung, không nghe lời gây mất trật tự và chỉ thích chơi một mình. Định đem con đi khám từ lâu nhưng khi bàn với chồng, anh cười xòa: “Nó nghịch giống anh ngày xưa” chị lại thôi.
Sự việc lên đến đỉnh điểm khi cô giáo cấp tốc gọi phu huynh đến chứng kiến cậu quý tử sau khi nhảy lên cào cấu bạn “can tội” tranh đồ chơi của mình, rồi sau đó quay ra leo lên cửa khua chân, múa tay loạn xạ. Nghe cô giáo, chị Hoa tức tốc đưa con đến bệnh viện khám. Kết quả: Bé Minh mắc chứng tăng động giảm chú ý.
Chị Hoa không phải là trường hợp duy nhất để bệnh của con có biểu hiện nặng thì mới cho đi khám.
Theo thống kê của Khoa Tâm bệnh (Bệnh viện Nhi Trung ương) thì số lượng trẻ mắc chứng tăng động ngày càng gia tăng. Thực tế, bệnh tăng động ở trẻ khi mới bị rất khó phát hiện, chỉ khi bé đã mắc một thời gian thì mới có biểu hiện rõ rệt.
Không ít mẹ chưa biết cách phân biệt trẻ hiếu động ở mức nào thì là bình thường, mức nào là nguy hiểm.
Trẻ con luôn luôn hiếu động. Tuy nhiên, điều quan trọng là hiếu động ở mức nào thì được coi là bình thường, còn mức nào thì bị coi là rối loạn tâm lý, tăng động giảm chú ý. Có những đứa trẻ quá hiếu động, không bao giờ ngồi yên tập trung làm gì nhưng bố mẹ lại nghĩ đó là điều rất bình thường mà không đưa con đi kiểm tra. Dưới đây là một số chia sẻ của chuyên gia thần kinh về chứng bệnh này.
Tăng động giảm chú ý khác với hiếu động đơn thuần
Trẻ thông minh, hiếu động là điều khiến các bậc cha mẹ tự hào mỗi khi nói về con mình. Với hiếu động đơn thuần, trẻ sẽ phát triển tốt cả về thể chất và mọi kỹ năng vận động, trong đó các hành vi đều được kiểm soát. Tuy nhiên, những biểu hiện của trẻ tăng động luôn ở mức độ thái quá, chỉ thích làm theo ý mình mà không quan tâm tới thế giới bên ngoài. Trẻ nói nhiều, hay ngắt lời người khác nhưng lại khó diễn đạt về ngôn ngữ. Hay leo trèo, chạy nhảy và cảm thấy khó chịu khi phải ngồi yên. Trong mọi việc, trẻ thường hấp tấp, thiếu suy nghĩ và không chịu chờ đến lượt.
Những nỗ lực của cha mẹ và thầy cô gần như vô ích, bởi trẻ nhìn thấy sách vở là phớt lờ, mọi chữ nghĩa như nhảy múa trong đầu, nghe giáo viên giảng bài mà luôn nghĩ đến đồ chơi, không tập trung chú ý và chậm tiếp thu. Đến những thói quen sinh hoạt hàng ngày cũng hay quên và thường bị thất lạc đồ chơi, dụng cụ học tập do để lung tung...
Biểu hiện của trẻ bị tăng động giảm chú ý khác hẳn với hiếu động đơn thuần. Học tập ở trẻ tăng động giảm chú ý khó khăn hẳn. Thực tế, trẻ tăng động rất thông minh nhưng vì khả năng tập trung kém nên kết quả học tập bị sa sút, hành vi và tính cách dễ bị thay đổi theo chiều hướng tiêu cực. Trẻ sẽ khó kiềm chế cảm xúc, dễ nổi nóng, tức giận và dùng hành động để giải quyết vấn đề, chẳng hạn như cào cấu, đánh bạn, đập vỡ đồ chơi... Nếu không vừa ý.
Tăng động và hiếu động ở trẻ có những biểu hiện gần giống nhau. Do đó có thể gây nhầm lẫn cho ba mẹ. Bạn cần chú ý:
- Trẻ hiếu động vẫn có khả năng thích nghi được với môi trường, vẫn tuân thủ kỷ luật, có thể kiểm soát hành vi của mình.
- Trẻ tăng động có tính xung động cao, không thể thích nghi, không thể kiểm soát hành vi của mình.
Bảng hướng dẫn phân biệt giữa tăng động và hiếu động ở trẻ.
Ảnh hưởng của tăng động giảm chú ý đến trẻ
Trẻ tăng động giảm chú ý gặp nhiều khó khăn ở mọi lĩnh vực cuộc sống, cụ thể như sau:
Học tập:
Thường gặp nhiều giới hạn trong các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, tính toán và sẽ khó đạt kết quả cao trong học tập do không tập trung chú ý.
Giao tiếp:
Dễ nổi cáu và hung hăng với mọi người, khó kết giao bạn bè và duy trì mối quan hệ nào đó lâu dài.
Mắc kèm nhiều bệnh lý:
Trẻ tăng động có nguy cơ cao bị rối loạn cảm xúc, rối loạn lưỡng cực, trầm cảm...
Tệ nạn xã hội:
Chứng tăng động giảm chú ý có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành, làm gia tăng tính bạo lực, dễ lạm dụng rượu, bia, thuốc lá, ma túy và có hành vi trộm cắp...
Sự nghiệp:
Người trưởng thành mắc chứng tăng động giảm chú ý dễ bị thất nghiệp, gặp trở ngại khi tìm kiếm và duy trì công việc mới do năng suất làm việc thấp, hay bất hòa với đồng nghiệp, cấp trên.
Hội chứng Tourette:
Đó là những rối loạn thần kinh, biểu hiện bằng tật giật cơ, với những cử động không tự ý .
Trẻ tăng động giảm chú ý có đáng lo?
Hội chứng này tuy không đáng lo ngại như tự kỷ hay động kinh... Nhưng ba mẹ cũng đừng chủ quan. Bởi khi những hiếu động quá mức, giảm chú ý, không kiểm soát được hành vi của mình có thể ảnh hưởng tới quá trình học tập của trẻ, phát triển hành vi và tính cách theo hướng bốc đồng, dễ nổi nóng, khó kiềm chế cảm xúc.
Khi có con bị tăng động giảm chú ý, ban đầu ba mẹ còn lúng túng trong phương pháp điều trị và can thiệp cho con thì có thể tham khảo kinh nghiệm từ những chia sẻ của các gia đình có hoàn cảnh tương tự. Bởi chúng ta luôn hiểu rằng không có gì chân thực hơn bằng những trải nghiệm.
Dù là trẻ tăng động hay hiếu động thì ba mẹ cũng tuyệt đối đừng bao giờ quát mắng, to tiếng hay dùng đòn roi với trẻ. Không những không thể cải thiện hành vi của trẻ mà có thể làm cho tình trạng của trẻ ngày càng nặng lên và khó điều chỉnh.