Những phương pháp cần thiết để giữ gìn trí nhớ
- Rèn luyện trí óc: Luôn học tập những kỹ năng mới như chơi nhạc cụ, chơi ô chữ, học ngoại ngữ hoặc các môn học yêu thích.
- Tập thể dục đều đặn.
- Xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh.
- Không uống rượu.
- Chống căng thẳng/stress.
- Bảo vệ đầu của mình.
- Không hút thuốc.
- Tổ chức hóa công việc.
- Tăng cường sự tập trung.
Suy giảm trí nhớ tuy không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người nhưng nó thường gây rất nhiều phiền toái và ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, nhất là những người trẻ.
Theo bác sĩ Trần Công Thắng, khi bạn đã bắt đầu quan tâm về việc suy giảm trí nhớ của mình hoặc việc giảm trí nhớ gây khó chịu cho bạn thì đó là lúc bạn nên đi khám trí nhớ.
Việc đòi hỏi bệnh sử cẩn thận, đặc biệt là thời gian và thời điểm trí nhớ, nội dung trí nhớ bị giảm, yếu tố tinh thần, công việc, thuốc men có thể ảnh hưởng đến trí nhớ và diễn tiến của giảm trí nhớ... Có thể giúp các thầy thuốc định hướng loại giảm trí nhớ và nguyên nhân.
Theo bác sĩ Thắng: Điều trị bệnh suy giảm hoặc mất trí nhớ tùy thuộc vào nguyên nhân. Đôi khi rất đơn giản, chỉ cần loại bỏ nguyên nhân thì trí nhớ sẽ từ từ hồi phục. Một số bệnh lý như trầm cảm, mất ngủ, bệnh tuyến giáp có thể điều trị bằng thuốc uống.
Cho đến nay, vẫn chưa có loại thuốc nào điều trị hết giảm trí nhớ do tuổi tác. Tập luyện trí nhớ vẫn là biện pháp điều trị chính. Bên cạnh đó, các thuốc có tác dụng chống oxy hóa như vitamin E, Gingko biloba cũng có tác dụng chống lão hóa và giúp giữ gìn trí nhớ.
Tuy nhiên, việc sử dụng các loại thuốc đặc biệt phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt là với những người trẻ. Được biết, hiện nay, cứ vào mùa thi cử, đứng trước áp lực của việc phải học thuộc lòng khá nhiều môn trước các kỳ thi của con em, nhiều phụ huynh đã rất lo lắng.
Thay vì chọn cho con chế độ học tập, nghỉ ngơi và bồi bổ một cách hợp lý, khoa học để có thể ghi nhớ bài tốt hơn, nhiều phụ huynh đã chọn cho con em mình phương pháp “rèn luyện trí nhớ siêu tốc” là: Dùng thuốc tăng cường trí nhớ! Tuy nhiên, theo PGS.TS Mai Phương Mai - Phó trưởng khoa Dược, Chủ nhiệm bộ môn Dược lý, Đại Học Y Dược TP.HCM: Hầu hết các loại thuốc được gọi là “thuốc tăng cường trí nhớ” trên thị trường hiện nay chỉ là các loại thuốc điều trị có thể đem lại lợi ích nào đó cho hoạt động của não bộ như can thiệp, hỗ trợ giúp cho việc chuyển hóa máu não, tuần hoàn tốt hơn hay giúp cải thiện việc chuyển hóa các tế bào thần kinh...
Hầu hết các loại thuốc này đều có tác dụng phụ có thể gây biến đổi tâm lý, ảnh hưởng tới tư duy, cảm xúc của người dùng; ví dụ như loại thuốc Paracetamol là thuốc gây hưng phấn, cải thiện việc chuyển hóa các tế bào thần kinh có tác dụng phụ là gây mệt mỏi, bồn chồn, dễ bị kích động; hay như Amphetamine kích thích đầu óc tỉnh táo, giúp sĩ tử chống lại cơn buồn ngủ khi ôn bài, nhưng nếu dùng thuốc kéo dài có thể làm cơ thể suy kiệt và nguy hiểm hơn là sẽ gây nghiện.