NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT NẾU PHẢI PHẪU THUẬT TIM
Chuẩn bị tốt cho phẫu thuật là một trong những điều kiện tiên quyết cho sự thành công của thủ thuật. Khi biết được tại sao phải thực hiện một loạt biện pháp theo dõi và điều trị, chúng ta sẽ dự kiến được những gì sẽ xảy ra trong, sau phẫu thuật và sẽ chủ động được cách sinh hoạt như thế nào cho hợp lý.
Những điều cần biết trước khi phẫu thuật
Bệnh nhân sẽ nhập viện vài ngày trước phẫu thuật để chuẩn bị cho ca mổ và gặp bác sĩ, điều dưỡng..., những người sẽ chăm sóc trong và sau phẫu thuật. Các bác sĩ luôn cố gắng nhằm làm giảm nguy cơ phải truyền máu trong phẫu thuật, nhưng một số bệnh nhân vẫn sẽ cần phải truyền máu. Bệnh nhân có thể được yêu cầu lấy máu của chính mình để dự trữ, để phòng trường hợp cần phải truyền máu trong khi phẫu thuật. Việc lấy máu phải được thực hiện vài tuần trước ngày phẫu thuật. Người bệnh cũng cần có một chế độ ăn tăng cường các khoáng chất. Một tuần trước khi phẫu thuật, bệnh nhân cũng có thể được yêu cầu ngừng các thuốc làm tăng nguy cơ chảy máu như aspirin, plavix...
Nếu là người nghiện thuốc lá, bệnh nhân sẽ được yêu cầu ngừng hút thuốc lá trước khi phẫu thuật. Bệnh nhân cũng được yêu cầu ngừng hút thuốc lá vĩnh viễn sau phẫu thuật. Nếu tiếp tục hút thuốc có nhiều nguy cơ phải phẫu thuật lại. Một ngày trước khi phẫu thuật, nhóm phẫu thuật sẽ thăm bệnh và trao đổi chi tiết về ca mổ cũng như sẽ trả lời các câu hỏi của bệnh nhân, như tiền sử bệnh tật và dị ứng nếu có. Người bệnh cần được tắm sạch bằng xà phòng diệt khuẩn ngoại khoa.
Điều gì xảy ra vào ngày làm phẫu thuật?
Các vật dụng cá nhân như kính và kính áp tròng, răng giả, đồng hồ, đồ trang sức... Nên đưa cho gia đình trước khi vào phòng mổ. Khoảng một giờ trước khi phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được uống thuốc ngủ. Các nhân viên y tế sẽ đưa người bệnh lên phòng mổ bằng giường. Tại đó, bệnh nhân sẽ được gây mê để giữ tình trạng luôn ngủ trong khi phẫu thuật. Phẫu thuật thường kéo dài từ 3-6 giờ. Phẫu thuật viên sẽ mở dọc đường giữa ngực qua xương ức để vào tới tim. Phẫu thuật được tiến hành với tim không đập. Vai trò của tim và phổi tạm thời được thay thế bởi máy tim phổi nhân tạo.
Điều gì xảy ra ngay sau phẫu thuật?
Sau phẫu thuật bệnh nhân sẽ được đưa về phòng hồi sức để chăm sóc và sẽ tỉnh lại sau khi hết thuốc gây mê. Lúc đầu có thể không cử động tay hay chân của mình, nhưng điều đó chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn cho đến khi cơ thể và ý nghĩ phối hợp được với nhau. Các dây truyền luôn được gắn trên người bệnh sau phẫu thuật để giúp cho bệnh nhân chóng hồi phục. Cũng có một số ống khác ở ngực để dẫn lưu dịch trong và sau phẫu thuật. Các dây gắn trên ngực sẽ giúp theo dõi nhịp tim một cách liên tục. Nếu cần thiết, có thể có một số dây nhỏ gắn vào phần ngực dưới để giúp cho tim đập một cách đều đặn.
Ống thở ở trong miệng được đưa qua dây thanh âm vào trong khí quản. Nó không gây đau nhưng làm bệnh nhân không nói được. Các điều dưỡng viên sẽ giúp người bệnh cách khác để có thể giao tiếp và hiểu những gì người bệnh cần. Ống thở thường được rút ra trong vòng 24 giờ sau phẫu thuật.
Trong phòng hồi sức, lúc đầu người bệnh có thể cảm thấy lẫn lộn và khó nhận biết về thời gian. Điều đó là bình thường do một số nguyên nhân như tác dụng của thuốc giảm đau, ánh sáng đèn được bật 24/24 giờ và những hoạt động của nhân viên y tế xung quanh. Nhưng sự lẫn lộn này chỉ xảy ra trong 1-2 ngày đầu cho đến khi được chuyển sang phòng yên tĩnh hơn.
Người bệnh sẽ cảm thấy đau, đặc biệt là trong những ngày đầu sau phẫu thuật. Các thuốc giảm đau được dùng một cách đều đặn để bảo đảm chắc chắn rằng bệnh nhân không bị đau nhiều. Nếu cơn đau bắt đầu và tăng dần lên, hãy nói ngay với điều dưỡng viên. Dùng thuốc giảm đau sẽ kiểm soát được cơn đau nhưng không làm hết hẳn đau. Các thuốc giảm đau mạnh chỉ cần thiết trong vài ngày đầu, do vậy có rất ít nguy cơ bị nghiện thuốc.
Làm gì để giúp nhanh chóng hồi phục?
Tập thở sâu và ho là điều quan trọng nhất để chóng hồi phục, cho dù ban đầu người bệnh có thể thấy đau. Tập ho sẽ làm giảm nguy cơ bị viêm phổi, sốt và không gây ra một tác hại gì. Điều dưỡng viên sẽ vỗ tay lên hai bên ngực của bệnh nhân giúp long đờm ở trong phổi và dễ dàng khạc chúng ra ngoài. Người bệnh cũng có thể chóng hồi phục hơn bằng cách thay đổi tư thế trên giường thường xuyên với sự giúp đỡ của nhân viên y tế.
Ăn, ngủ, vận động thế nào sau phẫu thuật?
Người bệnh có thể tự ăn được sau vài ngày. Hoạt động thể lực phụ thuộc vào sự hồi phục sức khỏe. Lúc đầu có thể ngồi trên ghế bành hay đi vòng quanh phòng. Sau đó có thể đi bộ một quãng ngắn ở hành lang, đi lên cầu thang, rồi đi bộ nhanh hơn, quãng đường dài hơn. Lúc đầu được lau người bằng khăn mềm và trong vòng vài ngày có thể tắm và gội đầu. Khi ngủ nên nằm tư thế đầu cao 45 độ là thoải mái nhất. Điều quan trọng là phải thay đổi tư thế liên tục sau vài giờ để làm giảm sức ép lên da. Thời gian nằm viện thường là 6-7 ngày sau phẫu thuật. Nhiều người bệnh cảm thấy bị suy sụp tinh thần trong vòng 3-4 ngày đầu sau phẫu thuật, nhưng cảm giác này sẽ nhanh chóng qua đi khi sức khỏe dân bình phục.