Nhìn bề ngoài đoán ra bệnh mất trí nhớ
Một nhóm nghiên cứu có trụ sở tại Seattle đã phát hiện thấy thể lực của một người có thể tiết lộ nhiều điều về tình trạng tâm thần của ông (bà) ta trong tương lai.
Họ cho biết có một cách đơn giản để kết luận ai đó có nguy cơ bị mất trí nhớ hay mắc bệnh Alzheimer khi về già hay không: Đó là tính thời gian đi bộ, kiểm tra sức mạnh trong cái nắm tay và khả năng thăng bằng của người đó khi đứng yên.
Nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Eric Larson, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu sức khỏe Group Health, đã tìm hiểu 2.288 người tuổi từ 65 trở lên. Mỗi người được đánh giá 3 lần, mỗi lần cách nhau 2 năm.
Khi nghiên cứu bắt đầu vào năm 1994, không ai trong số họ có biểu hiện mất trí nhớ hoặc bệnh Alzheimer. 6 năm sau đó, 319 người đã phát triển chứng mất trí nhớ, trong đó 221 người mắc bệnh Alzheimer.
“Chúng tôi ngạc nhiên nhận thấy những thay đổi về thể chất có thể đến trước những thay đổi về tư duy”, Larson nói.
Theo nhóm nghiên cứu, chỉ thị đầu tiên cho tình trạng mất trí nhớ dường như nằm ở trục trặc trong việc đi bộ và thăng bằng. Một cái nắm tay yếu ớt có thể là dấu hiệu tiếp theo về nguy cơ này ở người già.
Trong một báo cáo trước kia, cũng nhóm nghiên cứu này đã tìm thấy rằng những người tập thể dục thường xuyên ít có nguy cơ phát triển chứng mất trí nhớ hay bệnh Alzheimer.
Nghiên cứu mới đã đề xuất một giải pháp khả thi rằng việc tập luyện thường xuyên có thể giúp ngăn chặn sự mất trí nhờ việc cải thiện và duy trì thể lực.
Thạc sĩ - Bác sĩ. Phan Hữu Phước lưu ý, 50% các trường hợp sa sút trí tuệ giai đoạn sớm sẽ chuyển thành sa sút trí tuệ trong 3 năm. Người hay than phiền về trí nhớ hoặc trí nhớ có giảm so với tuổi tác là những dấu hiệu có thể dựa vào để chẩn đoán, tuy bề ngoài họ vẫn có vẻ bình thường, khó phát hiện.
Để ngăn ngừa sự sa sút trí tuệ do vấn đề mạch máu, Bác sĩ. Phước khuyên loại bỏ những thói quen sinh hoạt ảnh hưởng xấu đến mạch máu não như hút thuốc lá, uống rượu nhiều, thiếu vận động, kể cả ăn thức ăn nhiều muối...