Nhiều kỹ thuật mới cho người bệnh

Nhiều kỹ thuật mới cho người bệnh

Ba bệnh viện tiên phong ứng dụng kỹ thuật mới này là Bệnh viện Nhân dân 115, Ung Bướu và Đại học Y Dược TP.HCM.

Tối ưu về thẩm mỹ

Trước đây, việc phẫu thuật tuyến giáp thường để lại vết sẹo lớn trên cổ người bệnh, gây mất thẩm mỹ, nhất là đối với phụ nữ. Phẫu thuật nội soi cắt tuyến giáp qua đường miệng vừa được Bệnh viện Ung Bướu lần đầu triển khai là cánh tối ưu ít xâm lấn cho người bệnh, đặc biệt với phái nữ. Nữ bệnh nhân (50 tuổi) đầu tiên thực hiện phẫu thuật mới này có bướu giáp nhân. Sau 3 giờ phẫu thuật, bà đã có thể cử động vùng miệng bình thường, không để lại sẹo ngoài da. Sau 1 ngày hậu phẫu, bà đã ăn uống bình thường và chỉ cần theo dõi hậu phẫu trong 2 ngày rồi xuất viện.

Bác sĩ chuyên khoa I Trương Thành Trí, Khoa Điều trị Tổng hợp Bệnh viện Ung Bướu, nhận xét phẫu thuật nội soi cắt tuyến giáp qua đường miệng có nhiều ưu điểm vượt trội so với các kỹ thuật phẫu thuật khác. Khi phẫu thuật, ê-kíp mổ rạch khoảng 10mm tại vị trí tiền đình miệng môi dưới ngay phía trên thắng môi dưới; chỉ cần một khoảng cách ngắn để tiếp cận tuyến giáp, rồi thực hiện những thao tác bóc tách tạo khoang phẫu trường ngắn và cắt động mạch giáp trên bằng dao siêu âm, bảo tồn thần kinh.

Với phẫu thuật này, cho phép cắt giáp toàn phần dễ dàng hơn, giảm đáng kể thời gian phẫu thuật, giảm chi phí điều trị. So với các phẫu thuật truyền thống khác, kỹ thuật này đem lại kết quả thẩm mỹ tối ưu vì chỉ một đường rạch nhỏ ở tiền đình miệng. Niêm mạc miệng lành rất nhanh, do đó không để lại sẹo.

Theo Tiến sĩ - Bác sĩ Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu, ngoài kỹ thuật này, bệnh viện phát triển các kỹ thuật mới khác trong điều trị bướu giáp như phẫu thuật nội soi theo đường nách, đốt bướu bằng sóng cao tần (RFA)… Nhằm giúp bệnh nhân có nhiều lựa chọn hơn.

Phục hồi nhanh chóng

Nói đến bệnh tim mạch - "kẻ giết người thầm lặng", nhiều người nghĩ ngay đến hậu quả bất ngờ của nó như đột tử hoặc suy tim không hồi phục. Bệnh tim khi vào giai đoạn nặng thì việc điều trị rất khó khăn, tốn kém. Phó giáo sư - Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Hoàng Định, Trưởng Khoa Phẫu thuật tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết hiện nay phẫu thuật nội soi là phương pháp tiên tiến và chiếm 80% tổng số các trường hợp phẫu thuật tim ở các nước phát triển. Phương pháp này có thể áp dụng điều trị cho nhiều bệnh tim mạch như phẫu thuật sửa chữa, thay van 2 lá, van động mạch chủ, hẹp động mạch vành, tim bẩm sinh thông liên nhĩ, thông liên thất, u nhầy trong tim. Đến nay, trẻ em trên 15kg đã có thể áp dụng điều trị bằng kỹ thuật này.

So với mổ hở truyền thống thì mổ tim nội soi có những ưu điểm vượt trội như giúp người bệnh tránh phải cưa xương ức, sẹo mổ nhỏ và thẩm mỹ, ít mất máu, giảm thời gian thở máy sau mổ, quá trình phục hồi nhẹ nhàng và nhanh. Phẫu thuật nội soi tim đặc biệt có lợi với những trường hợp cần mổ lại. Cụ thể, với người bệnh đã được thay van 2 lá nhân tạo trước đây, sau 10 - 15 năm, van tim hư, cần phẫu thuật thay van tim mới. Việc thực hiện cùng đường mổ ở lần mổ sau sẽ rất khó khăn và nguy hiểm vì các mô bên dưới bị dính chặt sau lần mổ đầu tiên. Với phẫu thuật nội soi tim, bác sĩ có thêm một cách tiếp cận tim khác ngoài đường mổ dọc xương ức.

"Để triển khai kỹ thuật này, bệnh viện cử đội ngũ bác sĩ đi học tập, huấn luyện tại Trung tâm Tim mạch Leipzig (CHLB Đức), Trung tâm Tim mạch Texas (Mỹ) cũng như đầu tư hệ thống trang thiết bị ngoại nhập chuyên dụng. Đến nay, Bệnh viện Đại học Y Dược đã thực hiện thành công hơn 400 trường hợp" - bác sĩ Định nói.

Hạ thân nhiệt: Đỉnh cao cho cấp cứu

Trong lĩnh vực cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân 115 cũng vừa ứng dụng một liệu pháp mới. Đó là liệu pháp hạ thân nhiệt chủ động, có hiệu quả cải thiện tỷ lệ tử vong và biến chứng trên bệnh nhân ngừng tuần hoàn hô hấp cùng một số bệnh khác mà các biện pháp thông thường không đem lại hiệu quả.

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Vũ, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Nhân dân 115, thông tin liệu pháp hạ thân nhiệt chủ động hay gọi chính xác hơn là liệu pháp kiểm soát thân nhiệt mục tiêu, là phương pháp điều trị sử dụng các kỹ thuật làm lạnh để kiểm soát thân nhiệt bệnh nhân chủ động và chặt chẽ ở mức 33 - 36 độ C trong vòng 24 - 72 giờ sau ngừng tuần hoàn hô hấp.

Cơ chế của liệu pháp hạ thân nhiệt gồm nhiều yếu tố: Giảm chuyển hóa yếm khí của tế bào, giảm nhu cầu oxy cũng như năng lượng của các mô, giảm chuyển canxi vào tế bào, giảm sản xuất các gốc tự do, giảm tổn thương hàng rào máu não, giảm phóng thích các thành phần gây chuyển hóa chất kích thích thần kinh, giảm toan hóa nội bào… Từ đó đưa đến hiệu quả giảm các tổn thương mô não do thiếu tuần hoàn máu.

Đây là một kỹ thuật tiên tiến, không quá phức tạp cũng như sử dụng, đã được nghiên cứu và chứng minh ở nhiều nơi trên thế giới là có hiệu quả bảo vệ tế bào trên bệnh nhân ngừng tuần hoàn hô hấp và một số bệnh lý khác. Việc ứng dụng kỹ thuật này mang loại hiệu quả cho các bệnh nhân nặng, có ngừng tuần hoàn hô hấp. 


50.000 người bệnh tử vong do suy tim

Có khoảng 50.000 người bệnh suy tim tử vong mỗi năm. Tỷ lệ tử vong do suy tim thậm chí cao hơn tỷ lệ tử vong do một số loại bệnh ung thư. Mặc dù hiện có nhiều tiến bộ trong điều trị, tử vong do suy tim vẫn còn rất cao. Khoảng 50% người bệnh suy tim sẽ tử vong sau 5 năm.


NGUYỄN THẠNH

Các câu hỏi liên quan

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...