Nguyên nhân nào khiến trẻ bị chảy máu đường tiêu hoá?
Chảy máu đường tiêu hoá có thể xảy ra với trẻ bất cứ lứa tuổi nào. Biểu hiện lâm sàng thường là: nôn ra máu, đại tiện ra máu. Chảy máu đường tiêu hoá nhiều có thể dẫn đến thiếu máu cấp tính và choáng do xuất huyết. Nguyên nhân gây chảy máu đường tiêu hoá ở trẻ các lứa tuổi có sự khác nhau. Trẻ sơ sinh chảy máu đa số là do khi sinh nuốt phải máu của mẹ, hoặc trẻ sơ sinh mắc chứng chảy máu, chứng bại huyết, viêm ruột non, viêm đại tràng hoại tử trẻ sơ sinh, chảy máu dưới da do giảm tiểu cầu ở trẻ sơ sinh, chảy máu hoại tử dạ dày hoặc nhiễm độc axit nặng.
Trẻ một tháng tuổi đến hai tuổi thì đa số là do lồng ruột, viêm túi thừa meckel, loét đường tiêu hoá, viêm thực quản, nứt hậu môn... Trẻ hai tuổi trở lên chủ yếu là do loét đường tiêu hoá, u thịt thừa trực tràng, nứt hậu môn, trĩ, xuất huyết túi mật, viêm ruột xuất huyết thể hoại tử cấp, viêm ruột non, đại tràng thể loét mạn tính. Ngoài ra, chảy máu dưới da do thiếu tiểu cầu, chảy máu dưới da do dị ứng, bệnh máu trắng, dị tật dạ dày, ruột... đều có thể xảy ra với trẻ bất cứ tuổi nào.