Người thừa cân, béo phì dễ mắc bệnh ung thư nào?
Chỉ số BMI ≥ 30 được coi là béo phì
Theo Tổ chức Y tế thế giới, thừa cân và béo phì là tình trạng tích lũy mỡ quá mức hoặc không bình thường tại một vùng cơ thể hay toàn thân đến mức ảnh hưởng tới sức khỏe. Với riêng người trưởng thành, để đánh giá tình trạng dinh dưỡng, cần dựa vào chỉ số BMI - tính bằng cân nặng (kg) chia cho bình phương của chiều cao (mét). Một người trưởng thành khỏe mạnh, có dinh dưỡng hợp lý, BMI trong khoảng từ 18.5 - 24.9. Nếu BMI ≥ 25 thì được coi là thừa cân, BMI ≥ 30 là béo phì.
Thừa cân, béo phì là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh lý như bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tiểu đường…Và nguy hiểm hơn cả là ung thư.
Tại sao thừa cân, béo phì lại làm tăng nguy cơ ung thư?
Theo các bác sĩ Khoa Ung bướu - Singapore, Bệnh viện Thu Cúc, người thừa cân, béo phì có nguy cơ ung thư cao hơn bình thường. Lý do bởi việc tích quá nhiều chất béo trong cơ thể dẫn đến:
- Tăng nồng độ hormone giới tính như estrogen - đặc biệt với phụ nữ sau mãn kinh - điều này có thể làm cho các tế bào nhân lên nhanh chóng hơn trong vú và tử cung. Từ đó làm tăng nguy cơ ung thư ở các vị trí này.
- Tăng mức insulin, làm cho các tế bào phân chia nhanh hơn dễ gây ung thư.
- Hệ miễn dịch suy yếu, các mô bị viêm giúp gia tăng và lây lan của bệnh ung thư.
Đáng báo động là nhiều người vẫn không biết về mối liên hệ giữa ung thư và béo phì, thừa cân. Theo khảo sát của Hiệp hội nghiên cứu ung thư Anh Quốc, 3/4 số người được hỏi đều không biết thừa cân làm tăng nguy cơ phát triển 10 loại ung thư khác nhau. Chính vì nhận thức chưa đầy đủ đã dẫn tới thái độ chủ quan, duy trì thói quen ăn uống không khoa học, thiếu vận động.
Những bệnh ung thư đe dọa người thừa cân, béo phì
Có tới 40% các ca ung thư liên quan đến tình trạng thừa cân, béo phì (theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng tránh Bệnh tật Mỹ).
Các bệnh ung thư người béo phì, thừa cân dễ mắc bao gồm:
- Ung thư dạ dày: Ở người béo phì, mỡ thừa thúc đẩy tình trạng viêm nhiễm mạn tính, đặc biệt là ở đường ruột khiến axit dạ dày bị kích thích, từ đó làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày lên gấp đôi so với người bình thường.
- Ung thư gan: Béo phì tác động đến gan tương tự rượu, dẫn tới chứng bệnh gan nhiễm mỡ không cồn, xơ gan rồi kết thúc là ung thư gan.
- Ung thư vú, buồng trứng, nội mạc tử cung: Ở nữ giới, trọng lượng dư thừa làm tăng nguy cơ ung thư vú thêm 20% đến 40%, đặc biệt là sau thời kỳ mãn kinh. Tương tự ung thư vú, ung thư nội mạc tử cung và ung thư buồng trứng cũng có thể được phát triển bởi estrogen được tạo ra trong mô mỡ thừa, hoặc do rối loạn chuyển hóa như kháng insulin.
- Ung thư đại trực tràng: Người béo phì, thừa cân có nguy cơ phát triển ung thư đại trực tràng cao hơn 30% so với những người có cân nặng bình thường. Nguyên nhân được cho là khi cơ thể không sử dụng insulin đúng cách dẫn đến tăng lượng đường trong máu, tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng. Mô mỡ cũng giải phóng các hormon gọi là adipokine giúp thúc đẩy sự phát triển của tế bào, trong đó bao gồm sự tăng trưởng bất thường của các tế bào ung thư đại trực tràng.
- Ung thư tuyến giáp: Cân nặng tăng khiến kích thước tuyến giáp tăng. Tuyến giáp càng lớn, nguy cơ tế bào đột biến lại càng cao. Từ đó, làm tăng nguy cơ ung thư.
Ngoài ra, béo phì có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư túi mật, tuyến tụy, não meningioma, đa u tủy xương.
Cách phòng ngừa ung thư hữu hiệu
Tại Việt Nam, tỷ lệ béo phì năm 2016 ở mức 2,4% đối với nhóm người 5-19 tuổi và 2,1% với người trưởng thành (trên 18 tuổi). Như vậy, không chỉ người lớn mà trẻ nhỏ cũng có nguy cơ thừa cân, béo phì, đặc biệt là trẻ em ở các thành phố lớn như: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng… Tình trạng này đang có xu hướng ngày càng phổ biến và trở thành một trong những thách thức lớn đối với chương trình chăm sóc sức khỏe ở nước ta.
Cách đơn giản nhất để phòng ngừa ung thư là duy trì cân nặng hợp lý, hạn chế ăn các loại chất béo, nhất là chất béo bão hòa, hạn chế ăn đường và muối, tăng cường ăn rau và trái cây. Đồng thời, cần thường xuyên hoạt động thể lực, trung bình ít nhất 60 phút/ngày. Trẻ dưới 2 tuổi không nên xem tivi, trẻ lớn hơn thì chỉ được xem tivi dưới 2 giờ/ngày hoặc dưới 14 giờ/tuần… Bên cạnh đó, cần tầm soát ung thư định kỳ nhằm phát hiện sớm các tổn thương tiền ung thư, khối u để điều trị kịp thời, hạn chế các biến chứng. Với riêng người béo phì, việc tầm soát ung thư lại càng cần thiết và cần được thực hiện thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ.