Người lớn có bị chứng tăng động?

Người lớn có bị chứng tăng động?

Nhiều người đã nghe nói về chứng tăng động giảm chú ý (ADHD: Attention deficit hyperactive disorder). Nói về chứng bệnh này có thể làm cho bạn nghĩ ngay đến những đứa trẻ gặp khó khăn trong tập trung chú ý, đi kèm với tính hiếu động hoặc bốc đồng.

Tuy nhiên, người lớn cũng có thể bị ADHD và chiếm khoảng 4-5% trong người lớn. Nhưng chỉ một số ít người lớn được chẩn đoán hoặc điều trị đối với ADHD,khó khăn lớn nhất khi một người trưởng thành bị ADHD là họ thường không thừa nhận mình mắc bệnh. Nếu không được chẩn đoán và không được điều trị kịp thời, ADHD có thể dẫn đến các vấn đề về tinh thần và thể chất nghiêm trọng làm cho người mắc ADHD và gia đình của họ rất khó khăn để có một cuộc sống bình thường hàng ngày.

Dấu hiệu của ADHD ở người lớn

Một người mắc ADHD có thể có một thời gian khó tập trung, khó hoàn thành công việc đúng giờ và theo chỉ dẫn, khó khăn tổ chức các nhiệm vụ, thậm chí khó nhớ các thông tin. ADHD ở người lớn khác nhau ở từng người riêng biệt. Ở một số người, các dấu hiệu và triệu chứng nêu trên có thể có tác động lớn, trong khi ở những người khác, có thể không có vấn đề gì lớn hoặc đôi khi tùy theo các tình huống cụ thể.

ADHD ở người lớn có thể dẫn đến tâm trạng lâng lâng, lòng tự trọng thấp, chán nản mạn tính, lo âu, trầm cảm, khó tập trung, tính bốc đồng, khó khăn kiểm soát sự tức giận, kỹ năng tổ chức kém, quên mọi thứ, có vấn đề trong quan hệ xã hội, khó khăn trong công việc.

ADHD có thể gây ra một số vấn đề trong học tập, công tác, sinh hoạt. Chẳng hạn như gặp rắc rối thường xuyên, lưu ban, bỏ học, hiệu suất làm việc kém, thay đổi công việc liên tục, không thành công, không hài lòng với công việc. Trong cuộc sống: Trầm cảm, lo âu, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, ma túy. Trong quan hệ hôn nhân, ADHD có thể gây ra một số vấn đề liên quan như: Ly hôn, kết hôn một vài lần.

Làm sao nhận biết?

Nếu bạn nghĩ rằng bạn hoặc người mà bạn biết có ADHD ở tuổi trưởng thành, cần phải chẩn đoán sớm nhất có thể và được điều trị đúng để có thể có cuộc sống bình thường càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chẩn đoán ADHD ở người trưởng thành không phải là một công việc dễ dàng vì các dấu chứng và triệu chứng của ADHD như trầm cảm, lo lắng, tập trung kém, các vấn đề về mối quan hệ... Có thể có những nguyên nhân đan xen và chi phối khác.

Không có xét nghiệm hoặc kiểm tra đơn lẻ và đặc hiệu nào có thể giúp chẩn đoán xác định ADHD ở người lớn. Tuy nhiên, việc chẩn đoán ADHD ở tuổi trưởng thành sẽ đòi hỏi một cuộc kiểm tra sức khỏe hoàn chỉnh giúp loại trừ bất kỳ nguyên nhân nào có thể gây ra những dấu chứng và triệu chứng nhất định mà một người đang trải qua. Những thông tin về lịch sử gia đình, cá nhân, mối quan hệ và các bài kiểm tra tâm lý sẽ giúp đánh giá bất kỳ thông tin về các dấu chứng nghi ngờ với công cụ thang đánh giá tầm soát ADHD.

Bạn hãy xác định liệu mình có bị ADHD ở người lớn không bằng cách lưu ý các triệu chứng và quan sát các phản ứng của bạn đối với cuộc sống hàng ngày.

Quan sát các triệu chứng chủ yếu của ADHD

1. Xác định xem bạn có các biểu hiện thiếu chú ý của ADHD không. Có ba biểu hiện của ADHD. Để được chẩn đoán bệnh ADHD, bạn phải có ít nhất năm triệu chứng trong hơn một bối cảnh và ít nhất sáu tháng. Các triệu chứng có thể không thích hợp với mức độ phát triển của một người và được xem là gián đoạn chức năng bình thường trong công việc hay trong bối cảnh xã hội hoặc trường học. Các triệu chứng của ADHD (biểu hiện thiếu chú ý) bao gồm:

  • Phạm các lỗi sơ sót, không chú ý chi tiết.
  • Khó khăn trong việc tập trung (nhiệm vụ, trò chơi).
  • Dường như không chú ý khi nghe người khác nói chuyện.
  • Không hoàn thành đến cùng (bổn phận, công việc).
  • Khó khăn trong việc tổ chức sắp xếp.
  • Tránh né các nhiệm vụ đòi hỏi duy trì sự tập trung (như các dự án trong công việc).
  • Không thể theo dõi hoặc thường đánh mất chìa khóa, kính, giấy tờ, dụng cụ, v.v...
  • Dễ bị xao lãng.
  • Hay quên.

2. Xác định liệu bạn có những triệu chứng tăng động - bốc đồng của ADHD không. Một số triệu chứng có thể ở mức độ “gây rối” trong chẩn đoán. Kiểm tra nếu bạn có ít nhất năm triệu chứng trong hơn một bối cảnh, kéo dài ít nhất 6 tháng:

  • Bồn chồn, cựa quậy, tay hoặc chân gõ nhịp.
  • Cảm giác không yên.
  • Vất vả khi chơi những trò chơi tĩnh/ hoạt động tĩnh.
  • “Hiếu động” như thể “có mô-tơ điều khiển”.
  • Nói quá nhiều.
  • Buột miệng nói thậm chí trước cả khi được hỏi.
  • Vất vả khi phải chờ đến lượt.
  • Ngắt lời người khác, xen vào những cuộc bàn luận /trò chơi của người khác.

3. Xác định liệu bạn có biểu hiện ADHD kết hợp không. Biểu hiện thứ ba của ADHD là khi đối tượng có đủ tiêu chí của cả hai biểu hiện thiếu chú ý và tăng động/bốc đồng. Nếu bạn có ít nhất năm triệu chứng thuộc cả hai dạng này, có thể bạn có biểu hiện ADHD kết hợp.

4. Nhờ sự chẩn đoán của chuyên gia sức khỏe tâm thần. Khi đã xác định mức ADHD của mình, bạn hãy nhờ chuyên gia sức khỏe tâm thần hướng dẫn để được chẩn đoán chính thức. Chuyên gia sức khỏe tâm thần cũng sẽ xác định xem liệu các triệu chứng của bạn có thể được giải thích đúng hơn bằng một chứng rối loạn tâm thần khác hoặc được quy cho một dạng rối loạn tâm thần khác không.

Theo dõi các phản ứng của bạn với cuộc sống hàng ngày

1. Theo dõi các hoạt động và phản ứng của bạn trong hai tuần. Nếu nghi ngờ mình bị ADHD, bạn hãy chú ý tới cảm xúc và các phản ứng của bạn trong hai tuần. Ghi lại những hành động cũng như cách phản ứng và cảm nhận của bạn. Đặc biệt chú ý tới những hành vi bốc đồng và các cảm giác tăng động.

Kiểm soát sự bốc đồng: ADHD có thể biểu hiện ở việc khó kiềm chế sự bốc đồng. Bạn có thể hành động mà không suy nghĩ kỹ, hoặc thiếu kiên nhẫn và cảm thấy khổ sở khi phải chờ đến lượt. Bạn có thể nhận thấy mình chiếm lĩnh phần lớn các cuộc trò chuyện hoặc các hoạt động, trả lời và nói trước khi người khác dứt lời, hoặc nói những điều mà sau đó thường phải hối tiếc.

Tính tăng động: Khi bị ADHD, bạn có thể cảm thấy luôn bồn chồn, lúc nào cũng có nhu cầu động đậy, cựa quậy, và nói quá nhiều. Có thể bạn thường nghe mọi người bảo rằng bạn nói quá to. Bạn ít ngủ hơn nhiều so với phần đông mọi người hoặc khó dỗ giấc ngủ. Bạn cũng gặp khó khăn khi phải giữ yên hoặc ngồi lâu một chỗ.

2. Quan sát cách phản ứng với môi trường của bạn. Một số người ADHD chìm ngập trong quá nhiều chi tiết từ sáng đến tối, nhưng đến cuối ngày họ không nhớ được các chi tiết hoặc sự kiện quan trọng. Có thể kể đến một số tình huống có thể khiến người ADHD quá tải như: Một nơi đông đúc với âm nhạc và nhiều cuộc trò chuyện cùng lúc, sự pha trộn các mùi hương, từ mùi nước xịt phòng, mùi hoa tươi, mùi thức ăn cho đến nước hoa, và có lẽ cả các tác động ánh sáng như màn hình ti vi hoặc các hiển thị trên máy vi tính.

Kiểu môi trường như trên có thể khiến người ADHD gần như không có khả năng tham gia vào một cuộc đối thoại đơn giản, đừng nói gì đến sắc sảo trong công việc hoặc duyên dáng trong giao tiếp xã hội.

Bạn có thể từ chối các lời mời đến những sự kiện như vậy vì cảm giác chúng gây ra cho bạn. Sự tách biệt với xã hội có thể dễ dẫn đến trầm cảm.

Những người ADHD thường cảm thấy lo âu vì các tình huống không quen thuộc. Những cảm giác này có thể dẫn đến sự cô lập với xã hội.

3. Theo dõi sức khỏe thể chất và tâm thần của bạn. Các triệu chứng của ADHD có thể làm nặng thêm một số vấn đề về sức khỏe như lo âu, trầm cảm và các vấn đề khác. Tính hay quên có thể khiến bạn bỏ lỡ các cuộc hẹn khám với bác sĩ, quên uống thuốc hoặc không chú ý đến các hướng dẫn của bác sĩ.

Xem xét lòng tự trọng của bạn. Một trong những vấn đề lớn nhất của những người ADHD là lòng tự trọng thấp. Sự thiếu tự tin có thể phát sinh từ việc những người khác có biểu hiện vượt trội hơn bạn ở trường hoặc ở nơi làm việc.

Quan sát các thói quen dùng rượu và chất kích thích. Khả năng rơi vào tình trạng lạm dụng chất của người bị ADHD là lớn hơn và họ cũng khó khăn hơn trong việc cai nghiện. Ước tính có “một nửa số người ADHD tự chữa trị bằng chất kích thích và rượu.”  Bạn có gặp rắc rối với chất kích thích và rượu không?

4. Kiểm tra chi tiêu. Bạn có thể gặp khó khăn về tiền bạc nếu mắc chứng ADHD. Suy nghĩ xem bạn có thường xuyên bị túng thiếu không. Ghi các chi tiêu  để xác định thói quen của bạn.

Xem xét các mối quan hệ

1. Nhớ lại những trải nghiệm ở trường học. Có lẽ bạn không thành công trong việc học tập nếu mắc chứng ADHD. Nhiều người ADHD tỏ ra vất vả khi phải ngồi yên trong thời gian dài, quên đem theo sách vở, khó hoàn thành nhiệm vụ đúng thời hạn hoặc giữ yên lặng trong lớp.

Một số người có thể thay đổi rõ rệt ở cấp trung học, khi học sinh không còn chỉ học với một giáo viên. Trách nhiệm riêng về việc thành công trong học tập của học sinh cũng tăng lên. Nhiều người ADHD có thể bắt đầu nhận thấy các triệu chứng trong khoảng thời gian này.

2. Quan sát biểu hiện của bạn trong công việc. Người lớn khi bị ADHD có thể biểu hiện kém trong công việc do các vấn đề về quản lý thời gian, xử lý các chi tiết của dự án, muộn giờ làm, không tập trung trong các cuộc họp, hoặc không hoàn thành công việc đúng thời hạn. Bạn có thể nhớ lại nhận xét gần đây của người giám sát. Đã bao giờ bạn vượt qua thử thách thăng chức hoặc tăng lương chưa?

Đếm lại xem bạn đã từng trải qua bao nhiêu công việc. Một số người lớn mắc chứng ADHD có một hồ sơ nghề nghiệp không ổn định, từng bị đuổi việc do biểu hiện kém. Vì tính bốc đồng, những người bị ADHD cũng có thể thay đổi công việc theo cảm hứng. Xem lại hồ sơ nghề nghiệp của bạn để xác định những điều không ổn định. Lý do mà bạn thay đổi công việc là gì?

Quan sát chỗ làm việc của bạn. Khu vực làm việc của bạn có thể thiếu tổ chức và bừa bộn.

Một số người lớn mắc chứng ADHD lại có biểu hiện rất tốt trong công việc, đặc biệt là do xu hướng tập trung cao độ vào công việc.

3. Suy nghĩ về quan hệ tình cảm của bạn. Những người ADHD thường gặp khó khăn trong quan hệ tình cảm khi người yêu của họ thường phàn nàn rằng họ “vô trách nhiệm”, “không đáng tin cậy” hoặc “thiếu nhạy cảm”. Mặc dù có thể có nhiều nguyên nhân khác dẫn đến thành công hay thất bại trong tình cảm, nhưng một nguyên nhân góp phần có thể là các triệu chứng của ADHD.

Có thể bạn từng gặp trắc trở trong chuyện tình cảm nhưng không mắc chứng ADHD.

Tham khảo chuyên gia về mối quan hệ (ví dụ như chuyên gia tâm lý hoặc chuyên gia tư vấn hôn nhân) để tìm lời khuyên và có cái nhìn toàn diện trước khi dùng chuyện tình cảm trong quá khứ của bạn như một bằng chứng về ADHD.

4. Nghĩ xem bạn có thường bị người khác la rầy không. Nếu bị ADHD, bạn có thể bị phàn nàn nhiều vì thường khó tập trung vào nhiệm vụ và dễ bị xao lãng. Bạn đời của bạn có thể cứ phải nhắc đi nhắc lại về việc rửa bát chẳng hạn.

Có thể bạn thường xuyên bị chê trách nhưng bạn không bị ADHD.

Thử điều chỉnh hành vi của mình trước khi nghiêm túc cân nhắc xem bạn có bị ADHD không.

Làm sao kiểm soát tăng động giảm chú ý ở người lớn?

Bên cạnh việc điều trị tăng động giảm chú ý ở người lớn bằng phương pháp chuyên khoa thì chế độ dinh dưỡng lành mạnh có thể giúp bạn giảm triệu chứng. Tuy không có chế độ ăn cụ thể nào có thể cải thiện ADHD, nhưng một số thực phẩm có thể kiểm soát được tình trạng rối loạn tăng động giảm chú ý cho người mắc bệnh.

Chế độ dinh dưỡng

Để thuyên giảm các triệu chứng của tăng động giảm chú ý ở người lớn, điều quan trọng nhất là phải có một chế độ ăn uống lành mạnh bằng việc cung cấp đầy đủ các loại trái cây, rau củ, protein, hạn chế chất béo bão hòa, chất béo trans và muối, kiểm soát nhu cầu calo hàng ngày của bạn.

Dưới đây là một số chất mà bạn nên bổ sung vào bữa ăn để có thể làm thuyên giảm hội chứng rối loạn tăng động giảm chú ý.

Chất đạm: Một chế độ ăn uống giàu đạm có thể giúp cải thiện sự chú ý của bạn, ăn nhiều loại chất đạm trong ngày để duy trì dopamine ở mức cao. Bạn có thể bắt đầu một ngày với bữa sáng giàu đạm như trứng, sữa chua hoặc ngũ cốc. Ngoài ra, bạn cũng nên bổ sung những thực phẩm giàu đạm như thịt nạc, các loại hạt, đậu Hà Lan, đậu hũ… Vào các bữa ăn còn lại trong ngày.

Caffeine: Có thể hỗ trợ cho người bị chứng rối loạn tăng động giảm chú ý, điều này có thể gây nhiều ngạc nhiên. Nhưng với một số lượng nhỏ chất này, khoảng một hoặc hai tách cà phê hoặc trà mỗi ngày thì caffeine thực sự tốt cho người lớn bị rối loạn tăng động giảm chú ý. Caffeine có thể giúp bạn cảm thấy tỉnh táo hơn, cải thiện trí nhớ, tăng cường sự tập trung và cung cấp nhiều năng lượng hơn.

Tuy nhiên, bạn chỉ nên sử dụng với liều lượng vừa phải khi dùng thức uống chứa caffeine. Nếu bạn lạm dụng quá nhiều có thể làm triệu chứng này lâm vào tình trạng tồi tệ hơn.

Omega-3: Cá có đầy đủ các axit béo omega-3, một số nghiên cứu cho thấy rằng ăn nhiều cá có thể cải thiện triệu chứng tăng động giảm chú ý. Bổ sung những nguồn thực phẩm giàu omega-3 vào thực đơn của bạn một hoặc hai lần mỗi tuần như cá trích, cá hồi, cá thu và cá ngừ. Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm thấy các axit béo trong dầu thực vật, quả óc chó, hạt lanh và rau.

Để tránh làm tổn thương các triệu chứng tăng động giảm chú ý ở người lớn, bạn không nên sử dụng những thực phẩm có chứa màu tổng hợp và chất bảo quản. Ngoài ra, bạn nên hạn chế ăn đồ ngọt có thể gây hại cho sức khỏe như tăng cân và khiến các triệu chứng trầm trọng hơn.

Thói quen sinh hoạt

Giữ những thói quen sinh hoạt lành mạnh giúp bạn khỏe mạnh và hạn chế  triệu chứng của tăng động giảm chú ý ở người lớn.

Ngủ đủ giấc: Đây là một lợi ích quan trọng cho não bộ và cơ thể của bạn, góp phần trong việc điều chỉnh tâm trạng và duy trì sự tập trung, người lớn cần ngủ 7 đến 8 giờ mỗi ngày để cơ thể khỏe mạnh.

Tắt thiết bị điện tử trước khi ngủ: Bạn không nên sử dụng những thiết bị như tivi, máy tính, điện thoại, trò chơi điện tử 1 giờ trước khi đi ngủ.

Đi ngủ đúng giờ: Đối với người lớn, cố gắng tạo thói quen đi ngủ đúng giờ, uống một tách trà thảo dược trong khi đọc sách trước khi đi ngủ sẽ giúp bạn ngủ ngon hơn.

Luyện tập thể chất

Nghiên cứu cho thấy rằng rèn luyện thể chất có thể làm giảm đáng kể hoặc thậm chí loại bỏ những tác động tiêu cực của sự căng thẳng. Ngoài ra, hoạt động thể chất thúc đẩy sự phát triển và cải thiện hiệu quả não bộ, tăng cường khả năng học hỏi, tác động tích cực liên quan đến rối loạn tăng động giảm chú ý.

Thực hiện theo các bước sau để xây dựng một thói quen rèn luyện thể chất giúp cải thiện các triệu chứng này nhé.

Thời gian luyện tập: Bạn nên tập thể dục ít nhất một giờ mỗi ngày, chọn khung giờ phù hợp với theo lịch trình làm việc.

Tập theo tiến trình: Tập những động tác cơ bản, trung bình đến những động tác mạnh.

Nên có bạn đi cùng: Khi có bạn hoặc người thân đồng hành trong các hoạt động thể chất làm tăng khả năng gắn bó và tạo thói quen một cách thường xuyên.

Thử nghiệm hoạt động: Bạn có thể thử các hoạt động thể chất khác nhau như chạy bộ, đạp xe đạp, bóng rổ, khiêu vũ hoặc thậm chí là đi dạo để tìm một lựa chọn phù hợp nhất cho bản thân.

Hãy luôn duy trì những thói quen lành mạnh cùng với chế độ dinh dưỡng hợp lý để chứng rối loạn tăng động ở người lớn không ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của bạn nhé!

Các câu hỏi liên quan

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...