Người cao tuổi cần phòng tránh "Đỉnh huyết áp lúc sáng sớm"
Mỗi khi hừng đông khởi đầu một ngày mới thì cùng là lúc người cao tuổi (có hoặc không có bệnh tăng huyết áp) bước vào "vùng nguy hiểm”.
Sự tăng vọt huyết áp sau khi thức dậy dẫn đến tình trạng “Đỉnh huyết áp lúc sáng sớm”, làm tăng 70% nguy cơ bị các biến chứng trầm trọng như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim.
Tai biến mạch máu não đang gia tăng tại một số nước châu Á
Tai biến mạch máu não là tình trạng bệnh lý nặng, thường gặp ở người cao tuổi. Bệnh có tỷ lệ tử vong đứng hàng đầu trong các bệnh về não, đứng hàng thứ hai trong các bệnh tim mạch; hoặc nếu còn sống sót, thường gây tàn phế, là gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Theo số liệu thống kê, tai biến mạch máu não ở nhiều nước châu Á đang có chiều hướng gia tăng, nhất là ở Trung Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Do vậy, việc dự phòng tai biến mạch máu não lần đầu cũng như tái diễn là một mục tiêu trị liệu quan trọng ở tất cả các quốc gia, trong đó việc không chế bệnh tăng huyết áp là yêu cầu cấp thiết hàng đầu. Vì tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ lớn, là nguyên nhân chính gây tai biến mạch máu não nên việc kiểm soát tốt mức huyết áp là một thách thức không dễ dàng đối với công tác y tế.
Sự biến thiên của mức huyết áp 24 giờ
Huyết áp là một đại lượng thay đổi và luôn luôn tuân theo quy luật đặc trưng riêng của nó: Huyết áp hạ khi ngủ và tăng nhanh vào lúc thức dậy. Ở người bình thường, đỉnh huyết áp tâm thu hoặc tâm trương thường cao hơn đỉnh khi ngủ là 20mmHg và cao hơn đỉnh buổi chiều là 10mmHg. Trên nền biến thiên hàng ngày này, huyết áp còn chịu ảnh hưởng, có khi rất mạnh của hoạt động thể chất và những xúc cảm. Hơn nữa, ngoài sự biến thiên hàng ngày, còn có sự biến thiên hàng tuần (với mức huyết áp cao vào những ngày làm việc) và biến thiên theo mùa (với mức huyết áp cao vào mùa lạnh). Những thay đổi huyết áp này càng tăng nặng ở người bị tăng huyết áp.
Với bệnh nhân tăng huyết áp, buổi sáng sớm là thời điểm nguy hiểm nhất
Theo một nghiên cứu mới thực hiện vào năm 2003 trên một số người dân châu Á, cho thấy người cao tuổi có mức huyết áp tăng khi thức giấc là những người có nguy cơ cao bị tai biến mạch máu não hoặc những biến chứng tim mạch khác. Sự gia tăng huyết áp có thể suy đoán được bằng cách đo huyết áp ở nhà và khi mức huyết áp buổi sáng > 140/90mmHg. Những người này nhất thiết phải được điều trị bằng loại thuốc hạ huyết áp có tác dụng liên tục 24 giờ. Đó là các thuốc thuộc nhóm kháng thụ thể Angiotensin II (như Micardis).
Điều cốt yếu là bảo vệ tim mạch lúc sáng sớm
Người cao tuổi bị tăng huyết áp vẫn có thể sống tốt và tích cực ở tuổi 70, 80 hay thậm chí 90. Ngoài việc khống chế huyết áp bằng loại thuốc tác dụng kéo dài, cần kiểm soát được cả thời điểm nguy cơ cao nhất vào lúc sáng sớm. Khi thức giấc, dù đêm hay ngày, người cao tuổi nên bình tĩnh nằm yên ở tư thế cũ khoảng 3-5 phút. Nếu tập thở nhịp nhàng thì càng tốt, sau đó hãy dậy. Như vậy, cơ thể sẽ thích nghi dần với nhu cầu tăng nhanh của hệ tuần hoàn. Tim, não không bị thiếu máu, thiếu oxy, có thể tránh được biến cố cấp thời về tim mạch.
Theo kết luận gần đây của Tổ chức Y tế Thế giới: “Tai biến mạch máu não có khả năng dự phòng hiệu quả”. Do vậy, vấn để dự phòng tai biến mạch máu não đã trở thành mục tiêu chỉ đạo ở nhiều nước trên thế giới. Bên cạnh việc can thiệp làm giảm các yếu tố nguy cơ gây bệnh khác, việc phòng tránh “đỉnh huyết áp lúc sáng sớm” là hiện pháp quan trọng trong kế hoạch dự phòng tai biến mạch máu não.
Tự đo huyết áp tại nhà cho người cao tuổi
Nhằm hạn chế các bệnh có liên quan đến tăng huyết áp, Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến khích việc tự đo huyết áp tại nhà, nhất là đối với người cao tuổi, giúp bệnh nhân có thông tin về mức huyết áp hàng ngày, sự đáp ứng với thuốc hạ huyết áp và quan tâm hơn đối với vấn đề điều trị. Để tự đo huyết áp tại nhà cho người cao tuổi, cần tuân thủ một số phương pháp sau:
- Cần chỉnh đúng huyết áp kế: Đo huyết áp bằng huyết áp kế thủy ngân vẫn được coi là phương pháp tốt nhất để đánh giá số đo của huyết áp. Sau một thời gian sử dụng, đa số huyết áp kế đồng hồ, huyết áp điện tử đều có sai lệch, vì vậy nên được chỉnh lại sau 3 tháng sử dụng.
- Trước khi đo huyết áp, người được đo cần ngồi nghỉ hoàn toàn trên ghế ít nhất 5 phút, chân đặt lên sàn nhà, tay đặt trên bàn ngang mức tim. Đây là tư thế của mức huyết áp thường diễn ra hàng ngày.
- Đo huyết áp tư thế đúng, được đo định kỳ mỗi 3-6 tháng, đặc biệt ở những người có nguy cơ hạ huyết áp tư thế (suy tĩnh mạch, đái tháo đường...).
- Băng quấn tay phải quấn được 80% cánh tay người được đo. Với người có thể trạng to lớn, người quá béo, nếu băng quấn tay đo huyết áp nhỏ có thể làm tăng số đo, sai tới 10- 15mmHg và ngược lại.
- Đo ít nhất 2 lần và cách nhau ít nhất 2 phút cho mỗi lần đo. Trị số huyết áp chính xác là giá trị trung bình cộng của 2 lần đo nói trên. Nếu 2 lần đo chênh lệch nhau > 5mmHg, cần thực hiện đo lần thứ 3 và lấy trung bình cộng của cả 3 lần đo.
- Huyết áp tâm thu được tính từ 2 tiếng đập liên tiếp đầu tiên, để tránh nhầm với “lỗ thủng huyết áp” của người cao tuổi có xơ vữa động mạch hay người bị hẹp van động mạch chủ, chỉ có một tiếng đập đầu tiên.
- Huyết áp tâm trương được tính khi tiếng đập cuối cùng mất đi.
- Cần đo huyết áp của tay đối bên và đối chiếu mức huyết áp của hai tay.
- Người đo huyết áp nên nói hoặc ghi lại cho người được đo trị số huyết áp cũng như mức huyết áp mục tiêu của họ.
Theo quy định, ở bất cứ lứa tuổi nào, người có mức huyết áp bằng hoặc lớn hơn 140/90 mmHg được coi là bị tăng huyết áp. Còn những người tự đo huyết áp tại nhà có mức huyết áp lớn hơn hoặc bằng 135/85 mmHg đã được coi là bị tăng huyết áp.