Nghiên cứu về việc sử dụng cần sa và thuốc opioid ở bệnh nhân ung thư
Một nghiên cứu mới đây đã phát hiện ra nhiều bệnh nhân ung thư đang sử dụng cần sa và tỷ lệ này đang tăng lên theo thời gian tại Mỹ. Kết quả này đã được công bố sớm trên tạp chí Cancer. Ngoài ra, những bệnh nhân tham gia trong nghiên cứu này có nhiều khả năng sử dụng thuốc phiện quá liều lượng cho phép hơn những người không bị ung thư.
Đau được biết đến là một triệu chứng phổ biến của bệnh ung thư và nhiều bệnh nhân đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng về tình trạng này bởi vì họ không được giảm đau đầy đủ. Từ đó dẫn đến tỷ lệ sử dụng cần sa ở bệnh nhân ung thư đang phát triển nhanh chóng hoặc sử dụng những loại thuốc opioid cũng gia tăng theo thời gian. Vì thế, Bác sĩ Jona Hattangadi-Gluth và Kathryn Ries Tringale tại Đại học California, ở San Diego đã thực hiện nghiên cứu này nhằm kiểm tra các yếu tố dẫn đến việc sử dụng cần sa và thuốc opioids trong số những bệnh nhân bị ung thư.
Sau khi phân tích dữ liệu từ Điều tra Dinh dưỡng và Sức khỏe Hoa Kỳ (từ năm 2005 đến 2014), các nhà nghiên cứu đã tổng hợp 826 bệnh nhân ung thư với 1652 người khỏe mạnh. Và trong số những bệnh nhân ung thư trả lời khảo sát, có 40,3% đã sử dụng cần sa trong một năm qua, so với 38% những người khỏe mạnh. Ngoài ra, tỷ lệ sử dụng thuốc opioid theo toa ở những bệnh nhân ung thư trong khảo sát chiếm 13,9% so với 9% những người khỏe mạnh.
Bác sĩ Tringale cho biết: Các thử nghiệm lâm sàng này là rất cần thiết và triển vọng vì có thể định lượng hiệu quả tác động của cần sa trong các cơn đau do ung thư cũng như nguy cơ lạm dụng opioid ở bệnh nhân ung thư.
Không những thế một cuộc khảo sát khác cũng được thực hiện với hơn 19.000 người tham gia khảo sát (có và không bị ung thư) nhằm xem xét tỷ lệ sử dụng cần sa và thuốc opioid trong hơn 10 năm, qua đó các nhà nghiên cứu nhận thấy tỷ lệ sử dụng cần sa đã gia tăng đáng kể theo thời gian (bởi vì những thay đổi về luật pháp), còn ở thuốc opioid thì vẫn ổn định. Và việc chẩn đoán ung thư cho thấy không ảnh hưởng đáng kể tỷ lệ sử dụng các chất này theo thời gian từ 2005-2014.
Tiến sĩ Hattangadi-Gluth chia sẻ: Trước đây việc hợp pháp hóa sử dụng cần sa có liên quan tới việc giảm tình trạng nhập viện do phụ thuộc hoặc lạm dụng thuốc opioid, bởi vì thực tế cho thấy nếu bệnh nhân thay thế cần sa cho thuốc opioid, có thể giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong liên quan đến thuốc opioid. Tất nhiên, việc xác định rủi ro và tác dụng phụ của cần sa cũng rất quan trọng, đây là điều mà trước đây chưa được nghiên cứu trên các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên lớn, và nó được biết đến như là một chất được kiểm soát loại 1.