Nghiên cứu cho thấy việc tiếp xúc với ô nhiễm không khí góp phần gây ra bệnh hen suyễn ở trẻ em
Một nhóm nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Sức khỏe Lawson và Đại học Western, sử dụng dữ liệu cấp tỉnh từ ICES, cho biết việc tiếp xúc với ô nhiễm không khí góp phần dẫn đến nguy cơ cao mắc bệnh hen suyễn ở trẻ em. Những phát hiện mới từ tỉnh bang Ontario cho thấy trẻ em sinh ra ở thành phố Sarnia có nguy cơ mắc căn bệnh này cao hơn so với các thành phố lân cận. Kết quả nghiên cứu đã được đăng trên trên CMAJ Open.
Tiến sĩ Dhenuka Radhakrishnan, Bác sĩ Hô hấp Nhi khoa tại CHEO, tham gia nghiên cứu cho biết: Ở các thành phố Tây Nam Ontario thường có mức độ ô nhiễm khác nhau do sự khác biệt trong nghành công nghiệp và giao thông. Ví dụ: Sarnia là nơi được mệnh danh là "Thung lũng hóa chất", vì tập trung nhiều nhà máy hóa chất và nhà máy lọc dầu. Vì thế khi bắt đầu ngiên cứu chúng tôi muốn xem xét liệu trẻ em sinh ra ở ba thành phố London, Windsor và Sarnia có nguy cơ phát triển bệnh hen suyễn hay không, vì mức độ ô nhiễm của ba thành phố này khác nhau, do đó có thể so sánh dân số ở các thành phố này theo nhiều cách.
Các nhà nghiên cứu đã theo dõi 114.427 trẻ em sinh ra (từ năm 1993 đến năm 2009) ở các thành phố này trong 10 năm và phát hiện thấy những trẻ em ở Sarnia có nguy cơ mắc bệnh hen suyễn cao nhất. Với tỷ lệ như sau: Ở độ tuổi 10, gần 24% trẻ em ở thành phố Sarnia được chẩn đoán mắc bệnh hen suyễn, so với 21% ở thành phố Windsor và 17% ở thành phố London. Bên cạnh đó, tỷ lệ này có thể khác biệt do nhiều yếu tố liên quan đến bệnh hen suyễn như giới tính, tình trạng kinh tế xã hội và môi trường thành thị so với nông thôn. Những phát hiện này xuất hiện rõ nhất trong hai năm đầu đời của bé, nhưng vẫn tồn tại cho đến khi bé sáu tuổi.
Tiến sĩ Radhakrishnan cho biết thêm: Một điều mà chúng tôi cảm thấy an tâm là trong những năm gần đây nguy cơ mắc bệnh hen suyễn ở trẻ em đã giảm do mức độ ô nhiễm cũng giảm đi.
Ở Canada, hen suyễn là bệnh mãn tính xảy ra phổ biến nhất ở trẻ em và có ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống. Hen suyễn là nguyên nhân hàng đầu của các ca cấp cứu và nhập viện ở lứa tuổi này.
Điều quan trọng là phải tìm ra các chiến lược để ngăn ngừa sự phát triển của bệnh hen suyễn và trong nghiên cứu này, chúng tôi nhận thấy việc giảm tiếp xúc với ô nhiễm không khí, bao gồm các nguyên nhân từ môi trường, có thể làm giảm số lượng trẻ em mắc bệnh hen suyễn.
Tiến sĩ Shariff, tham gia nghiên cứu cho biết: Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy việc tiếp xúc ô nhiễm không khí trong thời kỳ mang thai có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của bệnh hen suyễn ở trẻ em. Vì thế chúng ta cần xem xét cẩn thận cách giảm mức độ phơi nhiễm ô nhiễm không khí trong một khu vực địa lý, điều này sẽ giảm sự phát triển bệnh hen suyễn. Việc một phụ nữ mang thai nhận biết được mức độ ô nhiễm không khí đang tiếp xúc có thể tránh được nguy cơ mắc bệnh cho cả mẹ và bé sau này.
Việc nhận biết sớm các triệu chứng của bệnh hen suyễn là điều tốt nhất mà cha mẹ có thể làm để cải thiện sức khỏe của con mình, từ đó bé có thể được chuẩn đoán bệnh sớm và bắt đầu các phương pháp điều trị thích hợp. Nếu cha mẹ nhận thấy con mình thở khò khè, ho dai dẳng hoặc gặp khó khăn trong khi tập thể dục, hãy cho bé đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt.