Ngăn chặn đuối nước trong mùa hè
Năm nào mùa hè đến, hiện tượng đuối nước cũng luôn rình rập lứa tuổi học trò. Vì vậy, các bậc phụ huynh, các đoàn thể, tổ chức,
Năm nào mùa hè đến, hiện tượng đuối nước cũng luôn rình rập lứa tuổi học trò. Vì vậy, các bậc phụ huynh, các đoàn thể, tổ chức, nhà trường cần quan tâm và đưa ra các biện pháp hữu hiệu nhất nhằm ngăn chặn đuối nước để hạn chế đến mức thấp nhất các tai nạn thương tâm xảy ra.
Nguyên nhân dẫn đến đuối nước
Mấy ngày gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã nói đến nhiều trường hợp đuối nước xảy ra rất thương tâm ở lứa tuổi học trò do rủ nhau tắm biển, tắm sông ngòi, ao hồ, trong khi các cháu không biết bơi.
Theo thống kê, vào mùa hè hàng năm tỷ lệ thương tích xảy ra đối với trẻ rất cao, trong đó đuối nước chiếm gần một nửa và ở nước ta tỷ lệ trẻ em chết do đuối nước cao gấp 10 lần ở các nước đang phát triển. Đặc biệt, thống kê năm 2015 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam có trên 11.500 trẻ em bị chết đuối mỗi năm, cao thứ hai trên thế giới.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, trong đó, nguyên nhân phổ biến nhất dẫn tới những tai nạn đuối nước thương tâm là do thiếu sự giám sát của người lớn, sự chủ quan của bố mẹ để trẻ tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm như sông, suối, ao, hồ. Bởi vì, mùa hè nóng nực, các cháu học sinh đang nghỉ hè thường tụ tập rủ nhau đi tắm ở biển, hồ, ao, sông, ngòi mà không có người lớn đi kèm. Những gia đình có điều kiện, nghỉ hè thường cho con em mình đi tắm biển nhưng thiếu sự kèm cặp, giám sát trẻ cũng dễ xảy ra tai nạn đuối nước. Mặt khác, tai nạn đuối nước còn do trẻ không biết bơi, chưa được dạy kỹ năng đảm bảo an toàn và xử lý tình huống khi bơi và không có kỹ năng cứu bạn khi đuối nước. Thêm vào đó là do thiếu các điểm vui chơi, giải trí dành cho trẻ em, nhất là đối với trẻ ở vùng nông thôn, buộc các em thường tìm đến các bãi biển, sông suối, ao hồ gần nhà để tắm mà không có sự quản lý, giám sát của người lớn, khi gặp nạn lại không biết cách cứu nhau nên hậu quả nặng nề xảy ra là điều khó tránh khỏi..
Một số biện pháp phòng đuối nước
Cần tuyên truyền rộng khắp cho toàn dân, nhất là những vùng có nguy cơ cao đuối nước để tuân thủ các nguyên tắc phòng đuối nước như cấm trẻ chơi đùa, tắm ở vùng ao, hồ, sông suối, kênh, rạch mà không có người lớn giám sát, theo dõi. Nếu cho trẻ tắm ở sông suối, ao, hồ, kênh, rạch phải có người lớn đi kèm (người lớn phải biết bơi), nếu có nhiều trẻ, tốt nhất là có vài, ba người trở lên để hỗ trợ nhau khi có tình huống xấu xảy ra.
Khi đi tắm biển hay sông, chỉ cho trẻ tắm gần bờ, đặc biệt là ở biển, không để nước ngập đến ngực (chỉ dưới xương ức là đủ) vì dù biết bơi cũng rất khó để bơi do sóng biển đánh liên tục. Không được cho trẻ nằm trên phao khi tắm biển, vì trẻ sẽ dễ bị cuốn ra xa rất nguy hiểm.
Những gia đình có trẻ nhỏ tốt nhất không nên để những lu, chum, vại, thùng đựng nước, nếu không thể không có (như vùng phải tích trữ nước ngọt để dùng) nên đậy thật chặt để trẻ em không mở nắp được.
Điều quan trọng nhất là cần dạy bơi cho trẻ. Các đoàn thể (thanh niên, phụ nữ) nên tổ chức các lớp dạy bơi cho các cháu nhân dịp nghỉ hè. Trong các buổi sinh hoạt hè nên có chương trình giáo dục các cháu các biện pháp tránh đuối nước. Để làm tốt công tác này, các cấp chính quyền, đoàn thể cần có sự hỗ trợ kinh phí (nên vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ thêm kinh phí) để mời các vận động viên có kỹ năng dạy bơi lội đến hướng dẫn các cháu học sinh trong dịp hè. Trong chương trình của trường tiểu học, tốt nhất là nên có thêm chương trình dạy trẻ biết bơi và kỹ năng cứu bạn khi đuối nước phải là một chương trình bắt buộc. Tất nhiên, để chương trình dạy bơi cho học sinh hiệu quả cần có lộ trình, từ khâu chuẩn bị (chương trình, giáo viên, bể bơi...) đến việc tập huấn cho giáo viên và triển khai.
Trong trường hợp các bậc phụ huynh tự dạy bơi cho con mình, cần lưu ý trang bị kỹ năng đảm bảo an toàn, xử lý tình huống khi bơi cho con em mình như cần phải khởi động kỹ trước khi xuống nước, đeo kính bảo hộ mắt, xử lý sao khi bị chuột rút, đặc biệt dứt khoát không xuống nước tắm khi không có người lớn đi kèm...
Để cho trẻ học bơi, trẻ phải có sức khỏe tốt, đặc biệt các bậc phụ huynh lưu ý khi con mình đang mắc các bệnh hen phế quản, bệnh đường hô hấp mạn tính (viêm mũi dị ứng, viêm mũi xuất tiết, viêm xoang mạn, viêm da dị ứng...) không nên xuống nước vì lạnh đột ngột có thể làm bệnh nghiêm trọng hơn, dẫn tới những tai nạn khi bơi. Vì vậy, trước khi cho trẻ tập bơi phụ huynh cần cho trẻ đi khám bác sĩ để quyết định trẻ có thể tham gia bơi lội không, đặc biệt là các cháu đang mắc các bệnh mạn tính.