Ngâm và giải độc khớp
Viêm khớp là một nhóm bệnh phổ biến (nhất là với người Việt Nam), hiện nay Tây y chưa có một giải thích rõ ràng về bản chất. Chúng ta thử tìm hiểu các quan niệm dân gian về chứng đau khớp.
1. Quan niệm của Đông y về khớp
Các vòng xoắn năng lượng
Khớp là những vùng phân chia một quỹ đạo liên tiếp của sự hình thành các vòng xoắn ốc năng lượng. Quỹ đạo đầu tiên của vòng xoắn cánh tay gồm có xương vai và hốc cánh tay. Quỹ đạo thứ nhì gồm vùng trải dài từ vai đến cùi chỏ. Thứ ba, vùng từ cùi chỏ đến cổ tay. Thứ tư, vùng từ cổ tay đến các xương bàn tay. Thứ năm là vùng đầu tiên của các ngón tay. Thứ sáu là vùng giữa các ngón tay. Và thứ bảy, là vùng cuối cùng của các ngón tay.
Tương tự sự phát triển như thế ở chân, bàn chân và ngón chân. Vòng xoắn ốc kiểu này chứa bảy giai đoạn hoàn thành, tương ứng với mô hình quỹ đạo của tạo hóa trong vũ trụ. Ở mọi nơi, chúng ta đều thấy sự hiện diện của những vòng xoắn ốc.
Chúng ta hình dung là tay và chân được hình thành do những vòng xoắn năng lượng. Giờ đây chúng ta thử xem các đường kinh mạch được hình thành như thế nào trong vòng xoắn ốc và mô hình này liên quan như thế nào đến các khớp. Chúng ta lấy “kinh tâm” là ví dụ điển hình.
Kinh tâm bắt đầu từ vùng của luân xa tim. Trên thực tế, nó nối với các đốt của cột sống phía sau luân xa. Nơi đây năng lượng môi trường liên kết với “kinh tâm” xuyên vào cơ thể trong thời kỳ thai nhi. Từ đó, kinh mạch phân chia như sau:
a) Từ luân xa tim tiếp tục đi đến vai. Tại vai có một khớp nồi.
b) Từ vai, nó chạy xuống tay đến khuỷu tay và phát triển một khớp khác.
c) Từ khuỷu tay, đường kinh mạch tiếp tục xuống tay trước đến cổ tay làm thành một khớp nữa: Khớp xương cổ tay.
d) Từ cổ tay tiếp tục đến chỗ xương bàn tay, nền của ngón út, thêm một khớp được hình thành.
e) Từ chỗ xương nền ngón tay út tiếp tục đi lên khớp đầu tiên của ngón út, tạo một khớp nữa.
f) Đường kinh mạch lại tiếp tục từ khớp nối thứ nhì của ngón tay út, lại một phần nữa, một khớp nữa.
g) Cuối cùng đường kinh mạch đến đầu mút ngón tay út.
Kinh tâm chia làm bảy phần, gần như là toàn bộ ở cánh tay. Vòng xoắn ốc này bắt đầu từ vòng lớn nhất gốc ở trung tâm cơ thể và tiếp tục nhỏ dần, cuối cùng là vòng nhỏ nhất, ở mút ngón tay.
Vòng xoắn kinh mạch bắt đầu từ một khớp nối đốt cột sống và mỗi khi thay đổi thành một vòng nhỏ hơn thì nơi đó cũng là một khớp nối. Khi vòng xoắn kinh mạch đổi từ vòng này qua vòng kế tiếp, các điểm được nạp năng lượng cao nhất phát triển và hình thành các khớp. Những đường kinh mạch khác bao gồm dòng đi xuống chân và bàn chân cũng có một mô hình tổng quát giống như vậy.
Ách tắc năng lượng trong bệnh viêm khớp
Vậy chúng ta có thể dùng sự hiểu biết nói trên để áp dụng chữa trị bệnh viêm khớp như thế nào? Cơ bản của bệnh viêm khớp là ở các khớp nối nằm khắp các vùng của cơ thể. Viêm khớp chỉ cho thấy là dòng năng lượng qua các kinh mạch đã bị mất quân bình và ở các phần khác của cơ thể cũng thế, đặc biệt nơi các cơ quan nội tạng cũng bị ảnh hưởng. Như trên, chúng ta đã thấy, các khớp là những vùng phân chia của những quỹ đạo vòng xoắn ốc của tay và chân. Chúng là những nơi tập trung năng lượng. Bình thường mỗi khớp có khả năng hoạt động rất rộng.
Trong bệnh viêm khớp, các khớp mất đi sự uyển chuyển tự nhiên và phạm vi hoạt động bị hạn hẹp. Sự cứng nhắc, khô chặt chứng tỏ các dòng năng lượng dọc theo kinh mạch bị nút chặt hoặc đã ứ đọng lại.
Lý do thông thường gây nên tình trạng này là người ta đã ăn quá nhiều thực phẩm có năng lượng dương tính như thịt đỏ, thịt gia cầm, pho mát cứng, trứng, muối và các sản phẩm nướng. Do vậy, các gân và dây chằng trở nên cứng nhắc, năng lượng không thể chảy êm ả qua các khớp được. Viêm và sưng đỏ cho thấy năng lượng trong các kinh mạch đã quá tải và tụ lại ngay ở các khớp. Việc dùng quá nhiều đường, sôcôla, cũng như dùng quá nhiều mỡ có thể tạo ra tình trạng này. Các sợi gân và dây chằng sưng lên, đau nhức khớp, phạm vi cử động thu hẹp lại và không còn khả năng mang nặng nữa.
Các biểu hiện thông thường
* Hư khớp (osteoarthritis)
Sự hình thành các mấu xương nơi các ngón tay trong bệnh viêm khớp này cho biết dòng năng lượng chảy qua các kinh mạch đã bị nghẽn tắc. Sự tích lũy protein và các khoáng chất ở các khớp là kết quả dùng quá nhiều thực phẩm động vật. Nơi ứ đọng được xác định bằng cách xem vị trí các ngón tay bị bệnh, chẳng hạn, mấu xuất hiện ở ngón thứ năm (ngón út) cho biết tim và ruột non đóng nhiều mỡ và cholesterol; nếu mấu nằm ở ngón giữa thì sự ứ đọng hình thành trong hệ tuần hoàn.
Bệnh hư khớp (osteoarthritis) nơi cột sống là biểu hiện dòng năng lượng qua kênh trung tâm và luân xa đã bị ứ đọng. Nếu phần trên cột sống đau thì chức năng tim và phổi rối loạn; nếu phần giữa đau, kéo theo sự tệ hại của dạ dày, lá lách, tụy tạng, gan mật và thận; trong khi nếu phần cuối cột sống mắc bệnh ứng cho sự rối loạn ở đại, tiểu tràng, bàng quang và cơ quan sinh dục.
Nơi đầu gối và hông đau viêm khớp, sự tù đọng được xác định tại kinh can, bàng quang kinh và các cơ quan tương ứng đã bị nhiễm mỡ với nhiều khả năng hình thành sỏi sạn. Lá lách, tụy tạng, thận, bàng quang đều nhiễm mỡ và có thể có cả sạn, khối u, túi nang trong các cơ quan này.
* Bệnh viêm khớp cột sống (Ankylosing Spondylitis):
Sự hóa cứng ở cột sống trong bệnh viêm khớp này chứng tỏ năng lượng chảy qua kênh chính và các luân xa không thuận lợi. Vùng nối cột sống bị vôi hóa cứng liên quan với sự tắc nghẽn dòng năng lượng (thường do sự ứ đọng của mỡ và cholesterol) trong bàng quang, cơ quan sinh dục gồm tuyến tiền liệt, dạ con, cả đại và tiểu tràng.
Tiến trình hóa cứng dần lên phía trên cột sống, năng lượng trong các luân xa và các cơ quan liên hệ trở nên tù đọng. Kết quả là năng lượng từ trời và đất vào cơ thể ngày càng giảm đi và rồi không đủ để cung cấp cho hoạt động vận hành cơ thể nữa.
* Viêm khớp thống phong (Gout):
Vùng bị tấn công của loại viêm khớp này là gốc ngón chân cái, nơi có ba luồng kinh mạch giao nhau. Kinh thận khởi đâu gần gốc ngón cái dưới lòng bàn chân và từ đó chạy dọc lên theo phần trong chân. Triệu chứng bệnh thống phong cho thấy có sự rối loạn kinh thận và trong quả thận. Dùng protein động vật quá nhiều là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh thống phong, tạo acid làm mệt thận, trong khi đó phần mỡ động vật thường tích tụ làm giảm chức năng của thận.
Ngoài ra, việc liên tục dùng các loại nước uống lạnh, đá lạnh cũng là nguyên nhân của bệnh này, nó tạo sự tích tụ calcium và thành sạn sau đó.
Sự tích tụ mỡ và chất nhầy trong thận do ăn quá nhiều đường, mật ong, các chất ngọt cô đặc, kem lạnh và các thức tráng miệng ngọt, các thức có dầu, mỡ.
Các kinh mạch của gan và lá lách giao nhau ở vùng ngoài chân cái, do vậy bệnh thống phong ảnh hưởng đến hai cơ quan này. Chẳng hạn nếu uống quá nhiều rượu, gan sẽ yếu đi và gây nên thống phong trong khi đó mỡ động vật, kể cả chế phẩm từ sữa tạo nên sự ứ đọng ở lá lách và hệ bạch huyết, tình trạng này là nền tảng gây nên bệnh viêm khớp thống phong.
Sự cân bằng năng lượng kinh mạch
Chế độ thực dưỡng cân bằng là nền tảng quan trọng để tránh dẫn đến sự mất cân bằng trong các cơ quan, kinh mạch và các khớp. Viêm khớp là một bệnh có thể ngăn ngừa được. Hơn thế nữa, trở lại dùng thực phẩm quân bình phối hợp với hoạt động và cách sống lành mạnh đem lại tình trạng tốt lành cho các khớp và các kinh mạch dù sau khi bệnh viêm khớp đã bộc phát.
Như chúng ta đã thấy trong phần trước, bệnh viêm khớp được xem như là một loại bệnh không chữa trị được, y học hiện đại chỉ cốt làm giảm đau, nhưng nguồn gốc gây bệnh vẫn không giải quyết được. Để thay đổi cơ bản tình trạng bệnh, đem lại sự cân bằng sức khỏe, chủ yếu là cần phải thay đổi cách ăn uống và cách sống.
Theo lối chữa trị cơ bản này, có nhiều phương pháp bổ sung cho nhau, giúp tái lập lại sự cân bằng trong dòng năng lượng qua các kinh mạch và các khớp, đem lại cho cơ thể một mức độ dẻo dai bình thường.
Người bệnh viêm khớp và các bệnh khác đều được khuyên nên luyện tập thêm tùy thuộc vào tình trạng cá nhân và khả năng có được. Trong trường hợp bệnh quá trầm trọng, nên tìm thấy thuốc hoặc chuyên gia về sức khỏe trước khi bắt đầu các phương pháp này.
2. Liệu pháp vẩy tay (Dịch Cân Kinh)
Vẩy tay là liệu pháp tự dùng hai tay phủi toàn thân, làm cho thần trí tỉnh táo, động tác linh hoạt, tinh thần vui vẻ, nhẹ nhàng. Liệu pháp này rất thích hợp với những người trung niên, cao tuổi, không hay vận động nhiều và những người lao động trí óc.
Các nhà nghiên cứu y học cho rằng, dùng 2 tay vẩy từ trên xuống dưới, từ trái sang phải, từ nhẹ đến mạnh, từ chậm đến nhanh sẽ giúp cải thiện sự tuần hoàn máu huyết cho cơ thể, thúc đẩy sự thay cũ đổi mới của cơ thể, làm cho các cơ bắp vốn mệt mỏi được thả lỏng, toàn thân có cảm giác nhẹ nhàng.
Bình thường trên da người có tổn tại một tổ chức tế bào đặc thù, những tế bào này ngày thường ở trạng thái ngủ yên, khi có lực tác động bằng hình thức vẩy tay thì các tế bào đó sẽ được kích thích hoạt động làm hệ tuần hoàn làm việc tốt hơn, máu huyết được lưu thông, chức năng miễn dịch của cơ thể được tăng cường và đồng thời năng lực kháng bệnh của cơ thể cũng được tăng cường. Phương pháp vẩy tay không những làm cường gân hoạt huyết, tiêu trừ mệt mỏi mà còn nâng cao sức đề kháng của cơ thể.
* Cách tiến hành
- Tư thế đứng thẳng, hai chân dang rộng dùng 2 tay phủi lên các bộ phận cơ thể, bắt đầu dùng lực nhẹ sau đó mạnh dần lên, cánh tay, ngón và bàn tay tiếp xúc với cơ thể có tính đàn hồi, khi vẩy làm cơ thể phát sinh cảm ứng.
- Phần cổ: Tư thế đứng hoặc ngồi, hai mắt nhìn bình thường, toàn thân thả lỏng, đưa 2 cánh tay lên, đồng thời dùng 2 tay vẩy từ sau ra trước, từ trước ra sau, làm đi làm lại từ 5-8 lần.
- Phần vai: Tư thế ngồi hoặc đứng, dùng tay phải vỗ vai trái, tay trái vỗ lên vai phải, làm 100 cái.
- Phần ngực và lưng: Dùng tay trái phủi ngực phải, dùng tay phải phủi ngực trái từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên 100 lần. Sau đó lại đến lưng, trước tiên dùng tay trái thò ra sau phủi phần lưng phải, tiếp đến tay phải phủi lưng trái, làm 100 lần.
- Phần eo - bụng: Đứng thẳng, toàn thân thả lỏng, phần eo chuyển động trái phải tự nhiên, hai tay cũng chuyển động theo và phủi tự nhiên lên phần eo và bụng rồi chuyển động theo chiều ngược lại, làm 200 lần.
- Tứ chỉ: Tay trái phủi cánh tay phải, tay phải phủi cánh tay trái, ngồi xuống phủi chân, trái trước phải sau, từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, từ 100-200 lần.
- Toàn thân: Hai chân bấm xuống sàn, người hơi chùng xuống (thả lỏng đầu gối), lưỡi để vào vòm miệng, hất 2 tay ra phía sau rồi để 2 tay tự theo quán tính đánh về phía trước, sau đó hất lại ra phía sau. Kết hợp nhịp thở, làm độ 20-30 phút (cỡ 800-1000 lần vẩy tay).
Khi tiến hành áp dụng liệu pháp này cần chú ý mấy điểm sau:
- Tiến hành động tác không quá vội vàng, khẩn trương, đầu óc phải thư giãn, không suy nghĩ lung tung, thở bình thường.
- Khi phủi, vẩy tay dùng lực trung bình, dần dần mạnh lên, số lượng tùy theo tình trạng cơ thể mà định liệu, thấy mệt thì nghỉ.
- Khi làm phải tuần tự đều đặn thường xuyên, không nên đông 1 lần, hạ 1 lần sẽ không phát huy được tác dụng.
- Kiên trì, khi tiến hành động tác chậm chậm từ từ tốt nhất là buổi sớm khi mặt trời lên là thời điểm thích hợp.
- Liệu pháp này phù hợp với chứng cao huyết áp, mất ngủ, tiện bí, viêm khớp, viêm nha chu.
* Phương pháp thường dùng
- Trị viêm khớp: Đứng thẳng, dùng hai tay phủi hai đầu gối, có thể hai chân thay nhau gác lên bục để vậy từ 50-100 cái, mỗi ngày 3 lần.
- Giảm căng thẳng: Ngồi trên ghế, nhón gót chân, tỳ lên đầu bàn chân, rung chân 10-15 phút.
3. Giải độc khớp bằng hồng ngoại và bùn khoáng
a) Bùn khoáng có cấu trúc tinh thể đặc biệt:
Khi ngâm nước, tinh thể giãn nở nhiều lần nên tích một lượng điện âm đủ mạnh. Khi xoa vào da và làm cho bùn se lại, các điện tích âm sẽ hút các điện tích dương tích trong khớp, thải độc khỏi khớp. Khi dùng đèn hồng ngoại chiếu vào, ánh sáng màu đỏ có năng lượng với bước sóng thích hợp sẽ kích hoạt lưu thông khí huyết, góp phần giải độc khớp.
b) Tiến hành điều trị:
Xoa bùn khoáng lên chỗ đau một lớp dày 1-3mm, dùng đèn chiếu thẳng góc với mặt da, khoảng cách thường là 50cm, thời gian trung bình từ 15-20 phút, diện tích vùng chiếu một lần không quá 1/6 diện tích cơ thể (hồng ngoại chỉ điều trị cục bộ).
Liều điều trị bức xạ hồng ngoại phụ thuộc vào:
- Công suất đèn càng cao thì càng nóng, ban đầu dùng loại 150W.
- Có loa đèn để ánh sáng càng tập trung càng lớn.
- Khoảng cách từ đèn đến da càng gần thì năng lượng càng lớn. Khoảng cách giảm 1⁄4 thì năng lượng tăng bốn lần.
- Khi chiếu thẳng góc, năng lượng đạt tối đa.
- Nên dựa vào cảm giác của mỗi bệnh nhân ở giới hạn ấm chịu được.
c) Chỉ định:
- Viêm khớp mãn tính.
- Đau nông cơ khớp (chú ý liều vừa hoặc nhẹ, nếu tăng nhiệt quá cao gây co mạch thứ phát, tăng hoạt tính men collagenase phá hủy tổ chức sụn), đau do thần kinh ngoại vi.
- Tổ chức da, sẹo xơ (mềm dãn).
- Thiểu dưỡng do tuần hoàn kém (dãn mạch).
- Co cơ, tăng trương lực (giãn và giảm trương lực, chuẩn bị cho vận động thuận lợi).
- Vết thương chậm liền.
d) Chống chỉ định:
- Đang sốt cao.
- Đang chảy máu hoặc đe dọa chảy máu.
- Nhiễm trùng cấp, có mủ.
- Chấn thương mới đang chảy máu trong khớp hoặc dưới da đang tiết dịch nhiều (có thể điều trị hồng ngoại khi đã ổn định để tiêu dịch và máu tụ).
- Vùng có u ác tính.
- Lao đang tiến triển.
- Có cảm ứng đặc biệt với bức xạ sáng.
4. Tắm biển và giải độc khớp
Trong nước biển có chứa hơn 60 nguyên tố, trong đó có các nguyên tố không thể thiếu với cơ thể chúng ta, thông qua việc thẩm thấu vào da và khớp, tác dụng đến các cơ quan của cơ thể đạt đến mục đích phòng trị bệnh. Đây là một phương pháp truyền thống. Trong nước biển có chứa nhiều loại nguyên tố đặc biệt là calcium, iodine, magnesium. Khi nước biển trên 25oCG, nếu ta tắm trong 20 phút, các nguyên tố này có thể thông qua da thẩm thấu vào cơ thể, bổ sung nhu cầu của cơ thể. Khi nước biển nóng trên 37oC, hiệu quả còn mạnh hơn. Vận động trong nước biển, dưới tác dụng của áp lực và năng lượng của nước biển, cơ thể hấp thụ được nhiều dưỡng khí, thúc đẩy chức năng hô hấp. Tận dụng sự chênh lệch nhiệt độ của nước biển với cơ thể để tăng cường chức năng điều tiết nhiệt độ của cơ thể. Nước biển còn có thể trị liệu một số bệnh về da và khớp. Tắm biển có lợi cho sự trao đổi chất của cơ thể và sự tuần hoàn máu, thúc đẩy sự hấp thụ calcium.
* Phương pháp thực hiện
- Trước khi tắm nên vận động cơ thể khoảng 5 phút, sau đó mới tắm dần từ mặt, ngực để cơ thể thích ứng dần.
- Trong khi tắm biển có thể tiến hành vận động hoặc tập thể thao mỗi lần 30-60 phút, tốt nhất nên cách ngày 1 lần. Sau khi tắm nên nghỉ ngơi.
- Trong khi tắm biển có thể tiến hành đồng thời biện pháp xoa bóp trực tiếp các bộ phận để thúc đẩy sự tuần hoàn máu, đạt đến mục đích trị liệu.
Liệu pháp này thích ứng với chứng mất ngủ, căng thẳng thần kinh, bệnh phong thấp, viêm khớp, đau lưng.
5. Tắm ngâm nước nóng và giải độc khớp
Tắm ngâm cục bộ hoặc toàn thân bằng nước ấm hoặc nóng, nước thường hoặc có thêm hóa chất và hương liệu...
Cục bộ thường sử dụng chậu, thùng để ngâm tay, chân, vùng mông, xương chậu.
Toàn thân sử dụng bồn 150-250 lít, ngâm toàn thân trừ đầu, mặt.
Tính chất nước quyết định tác dụng của tắm ngâm
a) Tắm ngâm nước ấm hoặc nóng cục bộ và toàn thân:
Nước mát 25-30oC, trung bình 33-34oC, ấm 35-36oC, nóng 37-40oC, rất nóng >40oC. Chủ yếu do tác dụng nhiệt của nước có thể thời gian 15-30 phút hoặc 1-2 giờ tùy mục đích và khả năng chịu đựng.
- Tắm ngâm cục bộ: Chủ yếu tăng tuần hoàn cục bộ, thường ngâm tay, chân, xương chậu - mông (ngồi trong chậu nước), thường thời gian ngâm 15-20 phút.
- Tắm ngâm toàn thân: Bề mặt da chịu tác động trong thời gian lâu, tác dụng cơ học của nước lên cơ thể nhiều hơn, nên có ảnh hưởng mạnh đến toàn thân (tim mạch, tuần hoàn, chuyển hóa, thân nhiệt, thần kinh).
- Nhiệt độ nước trung hòa và ấm: Mỗi lần 15-30 phút, sau khi ngâm lau khô người và nằm nghỉ 15-20 phút.
+ Tác dụng chính: Giảm đau khớp, giảm hưng phấn, giảm co thắt cơ, an thần, tăng bài tiết của da, tăng hoạt động thận.
- Nhiệt độ mát hoặc lạnh: Mỗi lần 3-5 phút, chỉ áp dụng ở người tương đối khỏe không bị bệnh tim mạch.
+ Tác dụng chính: Tăng chuyển hóa, tăng kích thích.
- Nhiệt độ nóng 40-42oC: Gây kích thích hệ thần kinh và tim mạch, đỏ da, tăng chuyển hóa, ra mồ hôi. Thường chỉ ngâm 5-10 phút, kéo dài gây ảnh hưởng tim mạch và giảm trương lực thần kinh.
Chỉ định: Giảm béo, kích thích chuyển hóa.
b) Tắm ngâm nước có thêm hóa chất
Sử dụng hóa chất có thể hòa tan trong nước, thường dùng nước ấm.
- Muối ăn: 10-40 g/lít, tùy độ mặn có tác dụng như nước biển.
- Các tinh dầu (thông, bạc hà, sả...) đủ gây mùi thơm. Dầu bốc hơi kích thích hô hấp, da và thần kinh, làm tăng cường chuyển hóa, chống mệt mỏi, chữa suy nhược cơ thể và ổn định thần kinh.
- Radon phóng xạ: 40-200 microcurie —› 100-500 đ/v Ma xe (nguồn nước tự nhiên) vào cơ thể kèm theo bức xạ ảnh hưởng chuyển hóa tế bào, phân tử, làm tăng quá trình chuyển hóa oxy. Có tác dụng chống viêm khớp, đau và viêm thần kinh mạn, viêm đa thần kinh, xơ vữa động mạch, thiểu năng tuần hoàn.
* Chú ý:
Khi tắm ngâm toàn thân có thể gây nên các phản ứng tiêu cực như mệt mỏi, căng thẳng, mất ngủ, choáng váng... Phải chú ý theo dõi để điều chỉnh nhiệt độ, lượng chất cho thêm và thời gian vì từng người thích ứng khác nhau. Sau mỗi lần tắm ngâm toàn thân cần thiết phải lau khô và nằm nghỉ 10-20 phút.
c) Tắm vòi tia (douche)
Vòi tia vừa có tác dụng của nước, vừa có tác dụng cơ học. Thường dùng nước lạnh, ấm nóng với áp lực 2-3 atmosphere (atm), ngoài tác dụng của nhiệt độ, tác dụng cơ học của tia nước như một dạng xoa bóp đặc biệt, có thể gây kích thích hoặc an thần. Hiện nay có rất nhiều loại douche, sau đây là một số kỹ thuật thông dụng:
* Tắm vòi tia với tia nước lớn 5-10mm áp suất 2-4atm, nóng và lạnh:
- Douche Charcot: Nước ấm bắn vào người ở cách xa 3m, tạo nên các vùng chịu áp lực như xoa day lên cơ thể.
- Douche Shotlander: Dùng 2 tia nước ấm (36,9oC) và lạnh (20oC) thay nhau 5-10 giây bắn vào người ở cách xa 3m, vừa có tác dụng xoa day, vừa rèn luyện khả năng thích nghi (nóng - lạnh), tăng cường sức khỏe.
Tắm vòi với tia nước lớn thường có tác dụng tăng tuần hoàn, giảm mệt mỏi, kích thích và dinh dưỡng cơ, phục hồi teo cơ, rèn luyện khả năng thích nghi. Cần chú ý không bắn tia nước vào vùng ngực, bụng, mặt và hạ bộ. Mỗi lần điều trị 5-10 phút.
Khi sử dụng loại tắm vòi tia này tiêu thụ nước lớn, cần chú ý nguồn cung cấp và thoát nước tốt.
* Xoa bóp bằng tia nước trong bồn tắm (Under Water Massage - UWM): Bồn tắm được thiết kế đặc biệt, làm nóng nước, có hệ thống bơm hút nước từ bồn ra rồi tăng áp lực thành các tia nước nhỏ (60-90 tia) bắn vào từng vùng cơ thể từ thành bồn, hoặc tạo ra tia nước lớn 5 - 10mm, sử dụng như vòi tia lớn. Ngày nay, đã có những bồn tắm UWM đa chức năng rất hiện đại, kết hợp tắm ngâm và điện phân.
Tùy cách sử dụng mà có thể gây kích thích hoặc an thần, phục hồi sức khỏe, chống mệt mỏi.
d) Tập luyện trong nước
Trong nước, người có khó khăn về vận động tập luyện sẽ dễ dàng hơn nhờ lực đẩy của nước làm giảm trọng lượng cơ thể lúc vận động; nhiệt độ ấm, giúp tăng tuần hoàn, mềm dãn cơ và tổ chức xơ; đặc biệt trong tăng trương lực, liệt cứng, hạn chế vận động sau chấn thương, phòng loét do nằm. Có thể thiết kế dạng bể bơi nhỏ với mức nước hợp lý tùy trẻ con hay người lớn.
Ngày nay, ở các nước y tế phát triển đã có hệ thống thủy trị liệu hoàn chỉnh bao gồm bể tập luyện trong nước, bệ tập đi và các loại bồn tắm vòi tia đồng bộ, góp phần nâng cao hiệu quả điều trị - phục hồi.