Năm 2040 thế giới sẽ có 81 triệu người mắc bệnh mất trí nhớ
Số người mắc chứng mất trí nhớ được cho là tăng gấp đôi mỗi 20 năm và có thể lên đến hơn 81 triệu người vào năm 2040, các chuyên gia y tế cảnh báo.
Các nhà khoa học thuộc Hiệp hội bệnh Alzheimer quốc tế (ADI) ước tính hiện có 24,3 triệu người mắc bệnh mất trí nhớ. Số ca bệnh này đang tăng lên khoảng 4,6 triệu mỗi năm, tức cứ mỗi 7 giây lại có một người mắc bệnh.
Nếu không có biện pháp ngăn chặn, số bệnh nhân mất trí nhớ sẽ lên đến 42 triệu trong vòng 10 năm tới và tăng gần gấp đôi vào năm 2040, với nhiều ca bệnh tăng lên tại Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Á và tây Thái Bình Dương.
“Tỷ lệ người mắc bệnh mất trí nhớ tại các khu vực đang phát triển được dự báo tăng cao hơn 3-4 lần so với các khu vực phát triển”, Cleusa Ferri và đồng nghiệp thuộc ADI cho biết.
Bệnh Alzheimer hiện đang là nguyên nhân hàng đầu gây mất trí nhớ ở người già. Không có cách nào chữa được bệnh mất trí nhớ, được miêu tả là mất hai hay nhiều hơn hai chức năng não như khả năng ghi nhớ và kỹ năng ngôn ngữ. Nhưng dùng một số loại thuốc có thể làm chậm lại quá trình phát bệnh hoặc làm giảm các triệu chứng.
Bệnh mất trí nhớ gây tốn kém nhiều chi phí cho xã hội. Tại Anh, các cơ sở y tế đã phải chăm sóc cho 224.000 bệnh nhân mất trí nhớ, với chi phí khoảng 8,2 tỷ USD, chiếm 0,6% GDP của Anh.
Hiệp hội bệnh Alzheimer quốc tế là một hiệp hội toàn cầu về căn bệnh Alzheimer đã dựa trên các nghiên cứu trước đó và các nghiên cứu về dân số của Liên Hiệp Quốc để đánh giá số người mắc bệnh này trong vài thập kỷ tới.
“Chúng tôi tin rằng các con số đánh giá này sẽ là cơ sở cho việc xây dựng các chính sách, kế hoạch và điều phối việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng”, Ferri nói.