Một số câu hỏi về bệnh thận tiết niệu
Câu hỏi 1:
Thưa bác sĩ, tôi muốn được tư vấn về bệnh u xơ tuyến tiền liệt. Bố tôi làm văn phòng, năm nay 59 tuổi, phát hiện u xơ lành tính tuyến tiền liệt đã 3 năm nay, sau mỗi lần đi khám bệnh kích thước khối u ngày một to lên. Tháng 11-2004 bố tôi đi khám tại trung tâm chẩn đoán y khoa thấy kích thước khối u tuyến tiền liệt là 4,7 x 4.8 x 5.0cm, các chức năng gần thận bình thường. Bố tôi đã dùng một số thuốc như: Tedenan, uống cây trinh nữ hoàng cung, uống thuốc xích dong hương nhưng không đỡ. Hiện nay bố tôi đi tiểu rất khó khăn, đêm đi nhiều hơn ngày, đi tiểu xong vẫn muốn đi nữa. Tôi có nghe một số người nói hiện nay có nhiều phương pháp mới chữa bệnh này, vậy tôi muốn nhờ bác sĩ giới thiệu một số phương pháp mới mà Việt Nam hiện nay đang áp dụng hiệu quả, và địa chỉ cụ thể tại các tỉnh phía Nam để tôi có thể liên hệ.
Trả lời:
U xơ tuyến tiền liệt thường gặp ở nam giới lứa tuổi này. Khi u xơ quá to thì có thể dùng biện pháp phẫu thuật để bóc tách u này đi. Hiện nay có nhiều phương thức để loại trừ khối u này. Có thể mổ nội soi, là cách nhẹ nhàng, an toàn, thoải mái. Bạn có thể đưa bố đến bệnh viện để khám và điều trị.
Câu hỏi 2:
Cách đây bốn năm, khi đó cháu đang học lớp 12, khi ngồi học bài cháu hay bị đau hai bên sống lưng rồi dần dần cháu bị đi tiểu nhiều, cháu có đi khám ở nhà thuốc tư nhân thì bác sĩ nói cháu bị suy nhược cơ thể và đã cho cháu uống thuốc nhưng không suy giảm sau đó vẫn bị đi tiểu như vậy. Thời gian sau đó cháu có lấy tam thất để uống nhưng vẫn không khỏi. Đến năm ngoái cháu có ra nhà thuốc tư nhân để khám, sau khi chụp X quang, nội soi, thử máu, thử nước tiểu thì bác sĩ nói: "Cháu không sao cả, chỉ bị yếu cơ bàng quang thôi, cháu uống thuốc bổ là khỏi". Khi ra lấy thuốc, giá thuốc đắt quá, cháu không đủ tiền nên cháu đã không mua được. Vừa rồi cháu đọc được ở trên báo thấy có nói bệnh nhân bị suy thận dẫn đến suy tinh dẫn đến liệt dương rồi vô sinh. Biểu hiện của bệnh là đi tiểu nhiều. Cháu về nhà lấy thuốc Bắc thấy thầy thuốc nói cháu bị can dương và đã cắt thuốc nhưng bệnh của cháu vẫn chưa giảm. Hiện nay cháu rất hoang mang, cháu không được thoải mái khi làm việc, đi đâu cháu cũng ngại vì phải tìm chỗ đi tiểu, cháu không làm được việc gì chuyên tâm cả. Một ngày cháu phải đi tiểu khoảng 20 lần. Mỗi khi trời trở rét hoặc cháu ăn nước canh thì cháu phải đi tiểu liên tục, có khi vừa đi xong vào lại buồn đi nữa. Vậy cháu xin hỏi bệnh của cháu có phải suy thận không? Cháu bị bệnh gì? Và cháu phải chữa trị ở đâu? Có tốn kém không? Cháu có thể chữa ở nhà không? Xin bác sĩ tư vấn giúp cháu.
Trả lời:
Theo đông y có thể bạn đã bị chứng thận dương hư. Triệu chứng chính của bệnh này là hay sợ lạnh, sắc mặt trắng, da xanh, đau lưng nhiều, ăn uống kém, có thể có mất ngủ, tiểu tiện trong dài, về đêm cũng hay đi tiểu, ỉa lỏng vào sáng sớm. Bệnh này chữa theo đông y rất hiệu nghiệm, cũng không đắt lắm. Bạn có thể dùng bài bổ thận dương như sau: Thục địa 16g, hoài sơn 12g, Sơn thù 12g, đan bì 12g, phục linh 12g, trạch tả 12g, phụ tử 6g, nhục quế 4g. Uống khoảng 10 - 20 thang bệnh sẽ thuyên giảm. Bệnh này không phải là suy thận như bệnh danh Tây y. Tuy nhiên bạn nên đi khám tại bệnh viện y học cổ truyền để được bắt mạch kê đơn.
Câu hỏi 3:
Tôi bị bệnh thận mạn tính lâu năm rồi, điều trị nhiều nơi nhưng không khỏi liệu có cách nào dễ chữa khỏi hoàn toàn?
Trả lời:
Bạn cho biết quá sơ sài. Chúng tôi không thể dựa vào đó để chẩn đoán hay tiên lượng về tình trạng bệnh của bạn. Bệnh thuộc thận có rất nhiều loại khác nhau và nguy hiểm nhất là suy thận mạn. Cách chữa suy thận mạn phụ thuộc vào từng giai đoạn của bệnh vì vậy bạn cần đi khám ở bệnh viện và làm xét nghiệm mới có cách điều trị cụ thể. Nếu bị viêm cầu thận mạn tính thì có thể tham khảo cây thuốc Nam trong phần y học cổ truyền. Tuy nhiên bạn vẫn phải đi khám để có hướng điều trị đúng. Tránh nguy cơ dẫn đến suy thận mạn thì điều trị sẽ rất khó khăn, thậm chí có nguy cơ phải chạy thận nhân tạo suốt đời. Bạn cũng không nên quá lo lắng, hãy đi khám tại bệnh viện chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, đồng thời được tư vấn về chế độ ăn uống, sinh hoạt cho phù hợp.
Câu hỏi 4:
Xin bác sĩ cho tôi biết cụ thể về bệnh viêm cầu thận cũng như cách điều trị, ăn uống, chế độ sinh hoạt để chữa bệnh có hiệu quả nhất.
Trả lời:
Viêm cầu thận có loại viêm cấp tính và viêm mạn tính. Khi bị viêm cấp tính cần phải đi khám tại bệnh viện và có cách điều trị. Nếu việc điều trị không đến nơi đến chốn sẽ trở thành viêm cầu thận mạn tính, không thể chữa khỏi và rất nguy hiểm vì lâu dần sẽ bị suy thận và dẫn đến suy thận mạn, gây nguy hiểm tới tính mạng. Bạn cần đi khám tại bệnh viện để làm xét nghiệm, các bác sĩ sẽ có hướng dẫn điều trị bệnh cụ thể. Nếu biết mình mắc viêm cầu thận mạn tính thì có thể tham khảo việc dùng cây thuốc Nam chữa bệnh trong phần y học cổ truyền.
Câu hỏi 5:
Thưa bác sĩ, gần đây em bị đi tiểu rất buốt và đau. Em muốn hỏi xem liệu bệnh của em là gì và cách chữa ra sao. Em mắc bệnh này được gần 1 tuần, sau lần đi vệ sinh tại trường và có dùng giấy vệ sinh ở đó. Em rất băn khoăn liệu nó có ảnh hưởng tới khả năng sinh em bé hay không. Mong bác sĩ giải đáp giúp em, hiện em đang rất lo lắng và đã làm ảnh hưởng tới việc học tập khá nhiều. Em muốn tìm thông tin về bệnh nhưng không biết tìm ở đâu. Gần đây em có dùng dung dịch rửa âm đạo liệu có tác dụng gì với bệnh của em không ạ?
Trả lời:
Có thể bạn đã bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Cần đi khám và uống thuốc kháng sinh chống viêm đường tiết niệu. Viêm đường tiết niệu nếu được điều trị đúng và khỏi thì không ảnh hưởng gì đến khả năng sinh sản cả. Nên đi khám ở bệnh viện phụ sản để được tư vấn về cách dùng các loại dung dịch vệ sinh đường sinh dục.
Câu hỏi 6:
Xin bác sĩ cho tôi biết cụ thể về bệnh viêm cầu thận cũng như cách điều trị, ăn uống, chế độ sinh hoạt để chữa bệnh có hiệu quả nhất?
Trả lời:
Viêm cầu thận có loại viêm cấp tính và viêm mạn tính. Khi bị viêm cấp tính cần phải đi khám tại bệnh viện và có cách điều trị. Nếu việc điều trị không đến nơi đến chốn sẽ trở thành viêm cầu thận mạn tính, không thể chữa khỏi và rất nguy hiểm vì lâu dần sẽ bị suy thận và dẫn đến suy thận mạn, gây nguy hiểm tới tính mạng. Bạn cần đi khám tại Bệnh viện để làm xét nghiệm, các bác sĩ sẽ có hướng dẫn điều trị bệnh cụ thể. Nếu biết mình mắc viêm cầu thận mạn tính thì có thể tham khảo việc dùng cây thuốc Nam chữa bệnh trong phần y học cổ truyền.
Câu hỏi 7:
Bác sĩ ơi! Giờ mẹ cháu đang bị bệnh thận mới phát hiện được một tháng, vậy cháu muốn biết muốn chữa trị cho mẹ cháu thì nên tiến hành như thế nào, bệnh này nên chữa Tây y hay Đông y thì tốt hơn?
Trả lời:
Cần đưa mẹ đi khám ở bệnh viện để biết là mắc bệnh gì của thận ví dụ viêm thận hoặc sỏi thận thì mới có hướng dẫn điều trị cụ thể. Tùy theo bệnh cụ thể và trong giai đoạn bệnh mà có cách điều trị, ăn uống khác nhau. Câu hỏi của bạn chung chung quá nên rất khó có thể nói được bệnh của mẹ bạn dùng Tây y hay Đông y điều trị thì tốt hơn. Nhưng bệnh của mẹ bạn mới phát hiện một tháng nay thì có khả năng còn đang ở giai đoạn có tiểu lượng khá tốt. Dù lựa chọn điều trị theo phương pháp nào thì bạn cũng nên đưa mẹ tới khám cụ thể để được sự hướng dẫn của bác sĩ.
Câu hỏi 8:
Xin cho biết bệnh nhân suy thận thì được phép ăn những loại thức ăn nào? có nên áp dụng chế độ ăn chay hoàn toàn đối với bệnh nhân suy thận hay không. Lượng ure trong máu 0,56g/1 là suy thận ở mức độ nào?
Trả lời:
Đối với bệnh nhân suy thận có nhiều cấp độ từ độ 1 đến 4. Nói chung với tất cả các độ suy thận thì điều quan trọng nhất là phải làm việc nhẹ nhàng thậm chí có thể không nên làm việc, trừ những sinh hoạt hàng ngày. Trong ăn uống thì cần hạn chế tối đa ăn thịt động vật, hạn chế ăn muối vì gây tăng huyết áp, tăng cường ăn rau quả và các loại vitamin và cần đi kiểm tra định kỳ 3-6 tháng để xem tình trạng bệnh của mình và tuân theo hướng dẫn của bác sĩ. Lượng ure không phải là chỉ số đánh giá suy thận, nó không phần ánh trung thực hoạt động chức năng của thận mà còn phụ thuộc nhiều vào cân nặng, chế độ ăn. Để đánh giá chức năng thận người ta dựa vào chỉ số creatinin trong máu.
Câu hỏi 9:
Em năm nay 27 tuổi, khoảng thời gian gần đây em đi tiểu hơi nhiều đôi khi thấy hơi rát ở đầu dương vật, đi khám bác sĩ thì được chẩn đoán là viêm bàng quang. Xin hồi bị như vậy có trị dứt được hay không và nên trị theo cách nào, Đông y hay Tây y.
Trả lời:
Bệnh của bạn có thể điều trị khỏi hẳn bằng uống các thuốc chống viêm đặc hiệu như thuốc thuộc nhóm quinolon, nitrofurantoin. Đây là cách điều trị Tây y. Còn trong Đông y có một số thuốc để điều trị một số triệu chứng của viêm bàng quang không do nhiễm khuẩn như lá cây Trâu cổ...
Câu hỏi 10:
Tôi bị đau và mỏi vùng thắt lưng đi siêu âm bác sĩ bảo bị sỏi thận nhưng sỏi còn nhỏ. Xin hỏi làm thế nào phát hiện bệnh sỏi thận, nguyên nhân của bệnh.
Trả lời:
Sỏi thận có thể phát hiện bằng siêu âm, chụp phim X-quang. Nguyên nhân của sỏi thận có thể có là: do cơ địa tạo sỏi, người này có các yếu tố dễ làm lắng đọng calci tạo sỏi; do chế độ dinh dưỡng nhiều calci quá mức như uống nước khoáng, sữa... do yếu tố cơ học là do tập quán nhịn đi tiểu lâu dần gây lắng đọng tạo sỏi hoặc do cấu tạo khác thường của hệ thống tiết niệu tạo điều kiện dễ tạo sỏi... và đôi lúc là do kết hợp nhiều yếu tố.
Câu hỏi 11:
Bố cháu năm nay 44 tuổi, bố cháu thường bị đi tiểu mà tiểu rất ít và buổi tối hay bị mất ngủ. Chứng bệnh này xuất hiện đã 2 năm tồi. Xin cho cháu hỏi đây là bệnh gì chữa bằng cách nào, có thể tự chữa ở nhà được không?
Trả lời:
Như vậy có thể là bố bạn đã bị phì đại tuyến tiền liệt, một căn bệnh của nam giới. Tuyến tiền liệt nằm bao quanh niệu đạo, khi phát triển to quá mức chèn ép vào đường tiểu gây khó đái, đái rắt, hay tiểu đêm... Cách chữa là phẫu thuật cắt bỏ tuyến này đi để giải phóng ách tắc và phải đến khoa ngoại của các bệnh viện. Hiện nay có cách phẫu thuật nội soi đối với bệnh này, an toàn và rất tiện lợi, bạn hoàn toàn có thể yên tâm đưa bố đi khám để điều trị sớm, tránh các biến chứng không tốt sau này.
Câu hỏi 12:
Em gái em mấy hôm nay đi giải thấy buốt đau, hay đi đái dắt. Sau khi đi khám, siêu âm kết luận là viêm bàng quang và viêm đường tiết niệu. Xin các bác sĩ cho biết nguyên nhân gây ra căn bệnh trên, phương pháp điều trị? Họ đã kê thuốc để uống. Ngoài thuốc Tây ra có thể kết hợp chữa trị bằng thuốc Nam được không?
Trả lời:
Viêm đường tiết niệu thường là do vệ sinh không sạch sẽ hoặc có thể là do các bệnh lây qua đường tình dục. Điều trị là dùng thuốc chống viêm, chống nhiễm trùng. Thuốc Nam chỉ để điều trị viêm đường tiết niệu do chứng nhiệt và để lợi tiểu chứ không điều trị được do nhiễm khuẩn. Có thể dùng kết hợp nhưng tốt nhất là nên dùng thuốc Tây y.