Mỗi ngày ở nước ta có khoảng 800 ca nạo phá thai
Chiều 13-12, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) TP.HCM đã tổ chức Lễ mít - tinh kỷ niệm ngày dân số Việt Nam (26-12) và kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Chi cục DS - KHHGĐ TP với chủ đề "Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên vì tương lai giống nòi".
Theo Chi cục trưởng Chi Cục DS - KHHGĐ TP Trần Văn Trị, chủ đề của Ngày dân số Việt Nam năm nay nhằm chuyển tải thông điệp chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên. Thanh niên không chỉ là hướng dẫn cách phòng tránh các bệnh lây truyền đường sinh sản, tránh thai hay sinh hoạt tình dục an toàn mà còn phải hướng đến việc chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân, chuẩn bị tâm, sinh lý để xây dựng một gia đình hạnh phúc cả về thể chất lẫn tinh thần, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của con người trong xã hội.
Theo ông Trị, trong 10 năm qua, Chi cục đã tổ chức thực hiện tốt các chương trình chăm lo nâng cao chất lượng dân số giai đoạn đầu đời; khám sức khỏe tiền hôn nhân; kiểm soát hiệu quả tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh...
Riêng năm 2018, Chi cục đã hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu do Trung ương và TP giao. Cụ thể, tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh đạt 82,7%; tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc đạt 82,6%; tỷ số giới tính khi sinh ước tính khoảng 105,3 bé trai/100 bé gái...
Cùng với đó, ngành dân số thành phố đã xây dựng triển khai mô hình kế hoạch thực hiện chương trình tầm soát, chẩn đoán, điều trị bệnh, tật trước sinh và sơ sinh tại 100% quận/huyện, xã/phường/thị trấn; duy trì hoạt động 70 câu lạc bộ "Người cao tuổi giúp người cao tuổi".
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS Võ Thành Đông đánh giá cao những kết quả ngành DS - KHHGĐ TP đã đạt được thời gian qua. Ông Đông cũng lưu ý, thời gian qua, dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền giáo dục song tình trạng quan hệ tình dục sớm, không an toàn, mang thai ngoài ý muốn và phá thai không an toàn, nguy cơ lây nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhiễm HIV ở tuổi vị thành niên, thanh niên vẫn có xu hướng gia tăng. Tình trạng phá thai ở Việt Nam đang ở mức rất cao với 250-300.000 ca mỗi năm.
Theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ năm 2017, cứ 1.000 ca phá thai có 15 trường hợp ở độ tuổi vị thành niên. Cứ 100 ca phá thai ở phụ nữ tuổi 15-49 tuổi thì có 62 ca mang thai ngoài ý muốn. Đây là các con số báo cáo chính thức, các con số thực tế có thể cao hơn rất nhiều.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác dân số trong thời gian tới, ông Đông đề nghị ngành dân số thành phố cần triển khai toàn diện, đồng bộ các giải pháp, thực hiện hiệu quả các mô hình, đề án như sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh, tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân, tăng cường cung cấp dịch vụ KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản.