Mỡ máu cao (máu nhiễm mỡ)

Mỡ máu cao (máu nhiễm mỡ)

Mỡ (lipid) máu cao, còn gọi là máu nhiễm mỡ, là một rối loạn chuyển hóa mỡ trong cơ thể làm cho nồng độ mỡ trong máu quá cao.

Mỡ rất cần thiết để tạo và cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động. Bên cạnh đó mỡ cũng cung cấp và vận chuyển các vitamin tan trong dầu. Tuy nhiên, nếu lượng mỡ quá nhiều có thể gây ra bệnh tim, bệnh tiểu đường và béo phì.

Trong cơ thể có rất nhiều loại mỡ nhưng những loại phổ biến nhất trong chứng mỡ máu cao là cholesterol và triglycerides. Mỡ máu cao có thể xảy ra do sự tăng cao của một hoặc cả hai loại sau:

  • Cholesterol đi khắp cơ thể dưới hình thức gọi là lipoprotein. Có hai loại cholesterol là: HDL cholesterol (cholesterol tốt) và cholesterol LDL (cholesterol xấu). Cholesterol trong máu cao có nghĩa là cholesterol LDL cao.
  • Triglyceride được lưu trữ trong các tế bào mỡ để sử dụng và là nguồn năng lượng chính của cơ thể. Ăn quá nhiều chất béo làm cho cơ thể không đốt cháy hết để sản sinh năng lượng có thể dẫn đến nồng độ triglyceride cao. Nếu triglycerides của bạn cao thì cholesterol cũng có thể đang ở mức cao.

Triệu chứng

Mỡ máu cao không có triệu chứng rõ ràng nên người bệnh thường khó nhận biết. Nhiều trường hợp người bệnh chỉ phát hiện ra mình bị máu nhiễm mỡ khi khám sức khỏe định kỳ hoặc bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng. Đặc biệt, bệnh mỡ máu cao ở người trẻ tuổi thường diễn biến thầm kín và khó nhận biết hơn bệnh mỡ máu cao ở người già.

Khi bị mắc bệnh rối loạn mỡ máu, người bệnh có thể xuất hiện những triệu chứng như: Đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, đau tức ngực, tim đập nhanh, thở gấp... Bệnh phát triển đến giai đoạn cuối sẽ gây ra những triệu chứng nguy hiểm như: Huyết áp cao, đau tim, xơ vữa động mạch...

Một số trường hợp có ban vàng dưới da: Da có những nốt phồng nhỏ bề mặt bóng loáng, màu vàng, mọc nhiều trên da mặt, khuỷu tay, bắp đùi, gót chân, lưng, ngực... To bằng đầu ngón tay không có cảm giác đau, ngứa.

Biến chứng

Mỡ máu cao là một loại bệnh không gây tử vong ngay trong thời gian ngắn, nếu mỡ máu tăng cao kéo dài sẽ gây nên nhiều biến chứng, thậm chí biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là biến chứng về hệ tim mạch, nếu không phát hiện sớm, điều trị và dự phòng tốt.

Bởi vì, mỡ máu tăng cao sẽ lắng đọng vào trong lòng mạch máu (động mạch), tạo ra các mảng xơ vữa làm hẹp lòng động mạch cản trở sự lưu thông hoặc đặc biệt là mạch máu nuôi tim (động mạch vành), mạch máu nuôi não (mạch máu não). Nếu mảng xơ vữa dày lên sẽ làm tắc mạch máu hoặc làm vỡ mạch máu. Nếu mảng xơ vữa bị bong ra đi theo dòng máu đến cơ quan nào mạch máu nhỏ sẽ gây tắc mạch máu (nhồi máu cơ tim, nhồi máu não) gây nên các tai biến, nếu không kịp thời cấp cứu có thể tử vong hoặc nếu qua khỏi cơn nguy kịch (tai biến mạch máu não) sẽ để lại di chứng nặng nề (liệt, rối loạn tâm thần…).

Ngoài ra, mỡ máu tăng cao còn có thể gây tắc mạch ở ruột gây hoại tử ruột, ở chi gây tắc mạch máu chi gây đau đớn, hoại tử hoặc gây viêm tụy, bệnh lý tiểu đường tuýp 2, tê chân, bệnh gan nhiễm mỡ...

Nguyên nhân gây máu nhiễm mỡ

Mỡ máu cao thường xảy ra ở đối tượng trung tuổi. Tuy nhiên, hiện nay do ảnh hưởng của lối sống thiếu lành mạnh rất, độ tuổi bệnh nhân mắc máu nhiễm mỡ đang có xu hướng trẻ hóa. Bệnh máu nhiễm mỡ có thể xảy ra do những nguyên nhân chính sau:

Chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học

Sử dụng quá nhiều chất béo trong bữa ăn hằng ngày là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh máu nhiễm mỡ. Trong đó, thịt bò, thịt bê, thịt lợn, trứng, sữa... Chứa nhiều chất béo bão hòa. Các loại thực phẩm đóng hộp, đồ ăn chứa dầu dừa, dầu cọ, bơ, ca cao cũng có hàm lượng chất béo cao. Nếu thường xuyên sử dụng những loại thực phẩm này bạn sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh máu nhiễm mỡ.

Béo phì

Béo phì khiến hàm lượng cholesterol trong máu tăng cao. Đặc biệt, lượng mỡ thừa thường tập trung chủ yếu ở bụng thay vì ở hông hay đùi. Béo phì khiến nồng độ HDL - cholesterol có lợi giảm còn nồng độ LDL - cholesterol tăng cao dẫn đến nguy cơ bị máu nhiễm mỡ.

Ảnh hưởng của tuổi tác và giới tính

Nữ giới từ 15 - 45 tuổi thường có tỷ lệ triglyceride thấp hơn so với nam giới. Tuy nhiên, khi bắt đầu bước vào độ tuổi mãn kinh, nồng độ triglyceride và cholesterol xấu ở nữ giới sẽ tăng cao và làm tăng nguy cơ bị xơ vữa động mạnh. Nguyên nhân là do sự thay đổi của hormone Estrogen sẽ ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa chất béo và tác động trực tiếp đến các mạch máu.

Lười vận động

Khi cơ thể lười vận động sẽ làm tăng nồng độ lipoprotein xấu và làm giảm nồng độ cholesterol tốt. Chính vì thế, ít vận động, thường xuyên nằm hoặc ngồi nhiều một chỗ nguy cơ bị máu nhiễm mỡ là rất cao.

Thường xuyên căng thẳng, stress

Stress, áp lực cũng là một trong những thủ phạm chính gây máu nhiễm mỡ. Nguyên nhân là do khi cơ thể bị mệt mỏi, áp lực sẽ có xu hướng ăn nhiều hơn và ít vận động, lười tập thể dục hơn. Ngoài ra, một số người còn có thói quen sử dụng rượu bia, các chất kích thích khiến cho nồng độ cholesterol trong máu tăng cao.

Thường xuyên hút thuốc lá

Hút thuốc lá khiến nồng độ cholesterol tốt trong cơ thể giảm mạnh, gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Yếu tố di truyền

Mỡ máu cao cũng có thể gây ra do yếu tố di truyền. Nếu trong gia đình có ông bà, bố mẹ bị mỡ máu cao bạn cũng có nguy cơ bị máu nhiễm mỡ cao hơn bình thường.

Ảnh hưởng từ các bệnh lý khác

Một số bệnh lý như tiểu đường, giảm hoạt động của tuyến giáp cũng khiến lượng mỡ trong máu tăng cao hơn.

Chẩn đoán bệnh

Các bác sĩ sẽ đo lường mức độ triglyceride và cholesterol so với các chỉ số ở những người bình thường. Chỉ số tối ưu của cholesterol là ít hơn 200 mg/dL và triglycerides là dưới 150 mg/dL. Các chỉ số này có thể khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi và giới tính của bạn.

Phương pháp điều trị

Điều trị mỡ máu cao bao gồm 2 bước:

Thay đổi lối sống

Bạn nên bắt đầu với một chế độ ăn uống cân bằng, ít chất béo và đường, đồng thời đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể. Bỏ hút thuốc và uống rượu, thay vào đó là tập thể dục. Bạn có thể hỏi bác sĩ để được tư vấn một chế độ ăn uống và bài tập thích hợp.

Sử dụng thuốc để điều chỉnh lipid:

Các bác sĩ có thể kê toa một số loại thuốc để kiểm soát lượng cholesterol. Các loại thuốc này sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và thận. 

Phòng mỡ máu tăng cao

Để hạn chế mỡ máu cao, mọi người, đặc biệt người cao tuổi, cần có chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý, nên hạn chế ăn các loại thức ăn có chứa các chất béo và cholesterol như bơ, sữa toàn phần, thịt xông khói, dầu dừa, dầu quả cây cọ, các phủ tạng động vật, da gà, da vịt, da ngỗng, các loại thịt đỏ, tôm và mỡ, lòng động vật. Hạn chế dùng các loại thực phẩm có chứa transfat (các loại chiên rán, nhất là chiên rán với loại dầu, mỡ đã sử dụng nhiều lần như quẩy, thịt rán, mì ăn liền).

Kiểm soát cân nặng cơ thể và duy trì ở mức hợp lý. Nếu bị béo phì, nên giảm béo một cách từ từ, không nóng vội, không dùng các loại dược phẩm, thuốc nam, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, chưa được phép của lưu hành.

Hạn chế hoặc bỏ thuốc lá, rượu, bia khi đã tăng mỡ máu.

Cần vận động cơ thể thường xuyên và đúng bài bản, ví dụ như tập thể dục buổi sáng, chơi các môn thể thao nhẹ hoặc đi bộ. Đi bộ nên thực hiện khoảng 60 phút hàng ngày, chia làm 3 - 4 lần, mỗi lần từ 15 - 20 phút, không nên đi bộ một lúc 60 phút, không đi bộ vào lúc trời nắng hoặc mưa, lạnh. Nên đi bộ quanh bờ hồ, đường mát mẻ không có xe ô tô, xe máy đi qua là tốt nhất.

Ngoài ra, ăn nhiều trái cây, rau quả và thực phẩm nhiều chất xơ. Khi nấu ăn, bạn nên dùng dầu oliu bão hòa đơn, dầu đậu phộng và dầu canola.

Thực hiện việc khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm, người cao tuổi cần đi khám bệnh định kỳ để biết được tình trạng mỡ máu của mình, trên cơ sở đó sẽ được bác sĩ khám bệnh điều chỉnh liều lượng sử dụng thuốc giảm mỡ máu hợp lý.

Các câu hỏi liên quan

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...