Mang Thai Ngoài Tử Cung
Mang thai ngoài tử cung là gì?
Khi phụ nữ mang thai, quá trình thụ tinh sẽ diễn ra trong ống dẫn trứng và sau đó tế bào trứng sẽ di chuyển đến tử cung, tại đây trứng đã thụ tinh sẽ bám vào thành tử cung để phát triển thành một thai nhi hoàn chỉnh. Tuy nhiên, có những trường hợp tế bào trứng đã thụ tinh không di chuyển đến tử cung mà thay vào đó, chúng lại bám vào thành ống dẫn trứng để phát triển. Tình trạng này được gọi là mang thai ngoài tử cung. Điều này rất nguy hiểm và thường hay xảy ra trong vài tuần đầu của thai kỳ. Trong nhiều trường hợp, sản phụ khó có thể việc giữ được thai nhi là rất khó.
Nguyên nhân gây ra mang thai ngoài tử cung?
Nguyên nhân thường gặp nhất của tình trạng này là khi trứng thụ tinh bị mắc kẹt trên đường tới tử cung, bởi vì ống dẫn trứng bị tổn thương do viêm. Bên cạnh đó, việc mất cân bằng nội tiết hoặc sự phát triển bất bình thường của trứng thụ tinh cũng có thể đóng một vai trò trong ống dẫn trứng.
Sau đây là một số yếu tố làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung, chẳng hạn như:
- Đặt vòng tránh thai.
- Từng mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như Chlamydia và bệnh lậu.
- Mắc bệnh viêm vòi tử cung hoặc viêm khung chậu.
- Mắc phải các vấn đề bẩm sinh về ống dẫn trứng.
- Sẹo do lạc nội mạc tử cung hoặc phẫu thuật vùng chậu.
- Từng bị mang thai ngoài tử cung.
- Từng phẫu thuật thắt ống dẫn trứng thất bại (phẫu thuật triệt sản).
- Dùng các loại thuốc hoặc các phương pháp điều trị vô sinh như thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
- Hút thuốc trước khi mang thai.
- Mẹ của sản phụ từng dùng diethylstilbestrol trong khi mang thai.
Triệu chứng thường thấy mang thai ngoài tử cung là gì?
Các triệu chứng thường gặp của mang thai ngoài tử cung bao gồm:
- Rong huyết nhẹ.
- Buồn nôn và ói mửa.
- Đau bụng dưới.
- Đau nhói bụng.
- Đau một bên cơ thể.
- Chóng mặt, mệt mỏi.
- Đau vai, cổ, hoặc trực tràng.
- Ngất xỉu (không phổ biến).
Phương pháp điều trị thai ngoài tử cung như thế nào?
Hiện nay, để điều trị tình trạng này, các bác sĩ sẽ sử dụng một số phương pháp sau đây:
Điều trị ngoại khoa (phẫu thuật):
Phương pháp này sẽ lấy đi khối thai, có thể gồm mổ bụng hở hay mổ nội soi. Phẫu thuật nội soi cần nhiều điều kiện về kỹ thuật, trang bị, nhân sự, nhưng đem lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân hơn vì ít gây dính vùng bụng sau mổ hơn. Tuy nhiên, khi khối thai đã vỡ, hoặc khi có quá nhiều máu trong ổ bụng, không thể tiến hành mổ nội soi được thì buộc phải mổ hở. Điều trị phẫu thuật là cách điều trị phổ biến nhất của tình trạng này.
Điều trị nội khoa (dùng thuốc):
Dùng một chất gây độc tế bào tiêm vào cơ thể hay vào khối thai, mục đích làm chết các tế bào của khối thai.
Hiện tại, chất đang được dùng là Methotrexate, là một chất cạnh tranh với acid folic (là thành phần quan trọng trong chu trình làm việc và tăng trưởng của tế bào, giúp tế bào sinh sôi và phát triển). Methotrexate cũng là một trong những thuốc được dùng để điều trị ung thư.
Ngoài ra có nhiều cách dùng thuốc như tiêm thuốc vào bắp cơ một lần duy nhất, hoặc nhiều lần, và có thể tiêm thẳng vào khối thai. Sau khi tiêm thuốc, bệnh nhân được theo dõi để đánh giá tình trạng khối thai, thời gian này kéo dài hơn so với điều trị phẫu thuật (từ 3 - 4 tuần). Cũng có khi khối thai vẫn tiếp tục phát triển sau dùng thuốc, buộc phải chuyển sang phẫu thuật.
Điều trị tại chỗ:
Sử dụng thuốc hay một số chất đặc biệt tiêm thẳng vào khối thai, mục đích làm cho tế bào nhau và thai chết đi, có thể dùng Methotrexate, dung dịch đường ưu trương, Clorua kali...vv... Tuy nhiên, đây là cách điều trị này thường không phổ biến, chỉ sử dụng trong một vài trường hợp.