Lây nhiễm bệnh lao
Bệnh lao gây ra do vi khuẩn tên Mycobacterium tuberculosis tức là vi khuẩn lao hay còn gọi là trực khuẩn lao, trực khuẩn Koch, BK (Bacille de Koch). Bệnh lao gây ra do lây nhiễm qua đường hô hấp có nghĩa là vi khuẩn gây bệnh lây lan từ người này sang người khác do tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp qua đường hô hấp.
Khi người bệnh lao ho, hắt hơi hoặc nói chuyện lớn tiếng, đàm hoặc chất tiết của người bệnh có chứa vi khuẩn lao bị bắn ra ngoài dưới dạng những hạt li ti mắt thường không trông thấy được. Những người tiếp xúc gần gũi với người bệnh trong một thời gian dài, thường là thân nhân trong gia đình có thể hít phải những hạt li ti có chứa vi khuẩn này và bị nhiễm bệnh. Người bệnh lao phổi rất thường hay ho đàm. Nếu người bệnh khạc đàm bừa bãi ra đất hoặc môi trường xung quanh, các bãi đàm này thường chứa nhiều vi khuẩn lao sẽ bốc hơi và được gió phát tán trong không khí và bị người khác hít phải.
Mặc dù lây nhiễm qua đường hô hấp nhưng sự nhiễm bệnh lao chỉ thường xảy ra khi tiếp xúc thân cận với người bệnh trong một thời gian dài chứ chỉ gặp gỡ thoáng qua một vài lần thì hiếm khi bị lây nhiễm lao. Bệnh không lây lan khi sờ đụng vào nhau, bắt tay chào hỏi, dùng chung bát đĩa, quần áo, chăn gối, phòng vệ sinh, phòng tắm hay khi quan hệ tình dục. Rất hiếm mới có trường hợp người mẹ mang thai bị lao và truyền vi trùng này cho đứa bé trong bụng. Cũng nên nhớ bệnh lao không phải là bệnh di truyền. Nếu trong gia đình có người bị mắc bệnh lao thì có khả năng có nhiều thành viên gia đình khác cùng bị bệnh lao, điều này là do lây nhiễm do cùng chung sống gần gũi chứ không phải là do yếu tố di truyền.
Lao Sơ nhiễm
Khi cơ thể một người tiếp xúc lần đầu tiên với vi khuẩn lao do hít phải chất tiết của người đang mắc bệnh lao (còn gọi là sơ nhiễm lao), vi khuẩn lao sẽ theo đường mũi - họng rồi khí quản - các phế quản và đi vào phổi. Trong phần lớn trường hợp người này hoàn toàn không có biểu hiện triệu chứng gì và các vi khuẩn này sẽ bị các chiến sĩ phòng vệ của phổi là các đại thực bào phế nang “nuốt trọn” rồi mang đến “nhốt” ở các “nhà giam” tức là các hạch bạch huyết ở quanh rốn phổi. Chỉ có khoảng 10% trường hợp khi vi khuẩn lao xâm nhập lần đầu tiên vào cơ thể sẽ có biểu hiện các triệu chứng lâm sàng, các biểu hiện này thường gặp ở trẻ em như ho, sốt nhẹ, ăn kém, quấy khóc... Như vậy khi vi khuẩn lao lần đầu tiên vào cơ thể có thể rất âm thầm lặng lẽ, hoặc cũng có thể biểu hiện bởi một số triệu chứng nhẹ. Dù có biểu hiện triệu chứng hay không, những người này đều đã bị nhiễm lao, tức là có chứa vi khuẩn lao trong người, nhưng không phải là đã mắc bệnh lao. Những người bị nhiễm lao này cũng hoàn toàn không thể làm lây lan bệnh lao cho người khác được.