Kim cang lá thuôn
Kim cang lá thuôn, Kim cang lá mác - Smilax lanceifolia Roxb., thuộc họ Kim cang - Smilacaceae.
Mô tả của cây Kim cang lá thuôn:
Kim cang lá thuôn là dạng cây dây leo cao 4-10m; nhánh chữ chi, không gai hay có gai. Lá có phiến xoan, rộng đến hơi thon, dài 6-17cm, rộng 1,5-5cm, gân từ gốc 5; cuống có tua cuốn mau rụng. Tán đơn; hoa nhiều (10-30); nụ hoa đực dài, cao 4mm; lá đài cao 4 mm; hoa đực có chỉ nhị cao 2,5mm. Quả mọng tròn, to 5-7mm.
Sinh thái của cây Kim cang lá thuôn:
Kim cang lá thuôn mọc ở ven rừng, rừng thứ sinh, rừng rậm nhiệt đới và các trảng cây bụi, trên đất có đá, đất đỏ, ở độ cao 500-2000m.
Ra hoa tháng 2-4, có quả từ tháng 7 trở đi.
Phân bố của cây Kim cang lá thuôn:
Kim cang lá thuôn phân bố ở Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Trị, Đà Nẵng, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Khánh Hoà, Ninh Thuận. Còn có ở Mianma, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaixia.
Bộ phận dùng của cây Kim cang lá thuôn:
Thân rễ cây Kim cang lá thuôn - Rhizoma Smilacis Lanceifoliae.
Thu hái thân rễ quanh năm, dùng tươi hay phơi khô.
Tính vị, tác dụng của cây Kim cang lá thuôn:
Kim cang lá thuôn có vị ngọt, nhạt, tính bình, có tác dụng hoạt huyết tán ứ, khư phong trừ thấp, giải độc.
Công dụng làm thuốc của cây Kim cang lá thuôn:
Quả kim cang lá thuôn ăn được. Ở Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, người ta dùng rễ và lá cây Kim cang lá thuôn làm thuốc trị bệnh trong y học dân gian, cũng như các loài Kim cang khác, ở Ấn Độ, người ta dùng rễ tươi lấy dịch để điều trị bệnh tê thấp và dùng bã đắp lên các phần đau.
Ở Vân Nam (Trung Quốc) thân rễ cây Kim cang lá thuôn dùng trị bệnh giang mai, lâm trọc, gân cốt tê đau, cước khí, đinh sang ung thũng và tràng nhạc. Ở Quảng Tây, dùng Kim cang lá thuôn trị đòn ngã tổn thương, tê thấp đau xương.