Kim cang lá quế

Kim cang lá quế

Kim cang lá quế, Dây muôn, Dây gạo - Smilax corbularia Kunth subsp. corbularia, thuộc họ Kim cang - Smilacaceae.

Mô tả của cây Kim cang lá quế:

Kim cang lá quế là dạng cây dây leo cao 4-8m, nhánh không gai. Lá hình mũi mác hay thon, đáy tròn, đầu tù, dài 6-14cm, rộng 1,5-6cm, mặt trên bóng, mặt dưới màu mốc trắng; gân 3-5, một cặp sát mép; cuống lá dài 1-1,5cm; tua cuốn chỉ còn là một mũi cứng hay không có, ít khi dài.

Cụm hoa là tán đơn mang 15-30 hoa trên cuống dài 1cm; nụ tròn, to 2 mm, lá đài cao 2.5mm; hoa đực có 6 nhị, không có chỉ nhị; hoa cái có bầu hình trứng, không có vòi nhuỵ, đầu nhuỵ 3, cong ra ngoài. Quả mọng, hình cầu, hơi dẹt, đường kính 6-7mm, khi chín màu đỏ tối.

Sinh thái của cây Kim cang lá quế:

Kim cang lá quế mọc trong rừng rậm ẩm và các trảng cây gỗ từ vùng thấp tới vùng cao 1600m.

Ra hoa tháng 5-8, có quả tháng 7-10.

Phân bố của cây Kim cang lá quế:

Kim cang lá quế phân bố ở Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hoà Bình, Hải Dương, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh.

Còn có ở Mianma, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaixia.

Bộ phận dùng của cây Kim cang lá quế:

Thân rễ của cây Kim cang lá quế - Rhizoma Smilacis Corbulariae.

Tính vị, tác dụng của cây Kim cang lá quế:

Kim cang lá quế có tác dụng khư phong trừ thấp, tiêu thũng giải độc.

Công dụng làm thuốc của cây Kim cang lá quế:

Dân gian lấy lá non Kim cang lá quế dùng ăn như rau: lá già dùng làm trà nấu nước uống bổ gân cốt. Thân dùng sắc nước uống kích thích tiêu hoá.

Ở Trung Quốc, thân rễ cây Kim cang lá quế dùng trị đòn ngã tổn thương, phong thấp.

Ghi chú: Còn một phân loài - subsp. synandra (Gagnep.) T. Koyama gọi là Kim cang nhị dính, Kim cang quần hùng có củ cũng được sử dụng làm thuốc giải độc thủy ngân.

Các câu hỏi liên quan

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...