Kích ngất
TRONG
các bài trước ta hay nói đến "kích ngất", dặn phải đề phòng và điều trị kích ngất. Trong những bài sau ta sẽ còn nói đến kích ngất nhiều nữa. Nhưng kích ngất là gì? Phải điều trị như thế nào mới hợp cách?
Kích ngất (bất tỉnh) là một danh từ y học, dùng để diễn tả những trạng thái bất thường khác nhau và thường không liên quan nhau, lại có ảnh hưởng đến cả phần tâm trí cũng như thể xác của nạn nhân. Chữ này cũng được dùng trong nhiều trường hợp, nhiều nghĩa mà người cứu thương tập sự hay bị hoang mang.
Có những chứng kích ngất tinh thần như khi bị xúc cảm mãnh liệt, sợ hãi, v.v... mà người ta thường gọi là chết giấc (ngất) hay bất tỉnh. Kích ngất điện là sự tổn thương trầm trọng sẽ được nghiên cứu sau. Lại có cơn kích ngất hóa chất, khi nạn nhân bị trúng độc, hay bị chích vào cơ thể quá nhiều chất thuốc insulin trong trường hợp bị đái đường. Những người mà tinh thần không ổn định rất dễ bị kích ngất.
Nơi đây chúng ta chỉ nghiên cứu đến kích ngất trong nghĩa kiệt sức, đình trệ mọi hoạt động của cơ thể vì sự tuần hoàn kém sút. Đó là kích ngất vì bị thương.
Những tổ chức trong cơ thể, cái này dễ cảm xúc hơn cái kia, nhưng nếu bị tổn thương, hầu hết đều sinh ra kích ngất. Bất kỳ một bộ phận nào trong cơ thể bị nghiền nát bằng bất cứ nguyên do nào, thường sinh ra chứng kích ngất, ngay trong cuộc giải phẫu có chuẩn bị chu đáo cũng vậy.
Bị thương nơi màng bao bên trong lồng ngực, nơi dạ dưới, bên trong sọ hoặc những khớp xương quan trọng như đầu gối chẳng hạn sẽ bị kích ngất. Ta cũng có thể bị kích ngất vì bị xuất huyết trầm trọng, bị gãy xương, bị mảnh bom, đạn súng v.v… Những vết phỏng dầu lan rộng ngoài da hay ăn sâu trong thịt, bị đói, khát và bệnh tật cũng gây ra kích ngất.
HÃY NHỚ: Một người bị thương tổn vì một trong bất kỳ loại thương tích nào kể trên đều sẽ bị kích ngất. Phải điều trị kích ngất ngay mà không cần đợi những triệu chứng phát hiện vì kích ngất dễ ngừa hơn điều trị.
Để hiểu rõ trạng thái gọi là kích ngất, trước hết ta nên biết qua hệ thống tuần hoàn tổng quát. Sự tuần hoàn của máu được diễn tiếp là do:
1. Trái tim, một máy bơm, theo nhịp đập mà đẩy máu vào động mạch.
2. Huyết quản, gồm có động mạch, tĩnh mạch và vi ti huyết quản, đồng hợp tác cách cùng chặt chẽ để tống đẩy máu ra rồi thu hồi trở về tim lại, còn phần thứ…
3. Máu, kết hợp bởi một chất lỏng, huyết tương và các tế bào.
Mục đích của sự tuần hoàn là để đem đường khí và lương thực đi tiếp tế khắp cơ thể, đồng thời đem chất cặn bã và Cacbon điôxít loại ra khỏi cơ thể. Để duy trì sự tuần hoàn cách đều đặn thì máu phải được đẩy đi với một cường độ nhất định nào đó, do một cái máy bơm, tức trái tim, do sự co giãn của thành huyết quản và phải có đầy đủ máu trong cả hệ thống. Cường độ kia cũng gọi là huyết áp.
Huyết áp có thể bị hạ xuống khi bất kỳ một trong các yếu tố trên bị kém sụt. Nếu tim không làm nhiệm vụ nó cách đầy đủ nổi, ta gọi là yếu tim. Nếu huyết quản không ở đúng vào kích thước cùng sức co giãn thường lệ của chúng thì huyết áp không thể duy trì được. Huyết áp cũng bị giảm khi bị mất máu nhiều trong trường hợp xuất huyết, hay bị mất chất lỏng, huyết tương, trong trường hợp bị phỏng. Khi một người bị kích ngất vì thương tích, lỗi lầm ấy không do quả tim, nhưng do các huyết quản và số lượng huyết trong đó.
Cái hệ thống máy móc tạo ra chứng kích ngất thật khá phức tạp, và sự thay đổi quan trọng đầu tiên này là do sự tuần hoàn bị sút kém và kết quả là huyết áp hạ thấp xuống. Khi huyết áp bị hạ xuống như vậy, tim đạp mau hơn để bổ khuyết. Các huyết quản đặc biệt là ở tay và chân, co lại để chống lại sự yếu ớt của việc tuần hoàn. Chính điều này làm tay, chân và thân mình người bị kích ngất lạnh và rít. Đó cũng là hành động bảo vệ nhằm mục đích tiếp tế số máu cần thiết lên thần kinh trung khu trong não và cả thần kinh hệ nữa.
Kết quả của việc tuần hoàn yếu ớt kia là dưỡng khí và lương thực không được tiếp tế đủ cho các tế bào, đồng thời phổi và thận cũng không làm phận sự bài tiết đầy đủ được. Chất cặn bã thặng dư trong cơ thể cũng như trong huyết làm hư hại thêm cái trung khu thiết yếu ở trong óc vốn đã lệch lạc rồi.
Hơi thở của nạn nhân mau và ngắn là vì vết thương, hay vì sự tiếp tế dưỡng khí lên phần thần kinh trung khu có nhiệm vụ điều khiển việc hô hấp không đầy đủ hoặc không đều đặn. Những thần kinh khác lo việc kiểm soát sức thun giãn của huyết quản cũng bị ảnh hưởng lây. Khi những tế bào đặc biệt và tế nhị này mất sức hoạt động thì toàn bộ thần kinh trung khu bị mất sự bảo vệ ngay. Nhiệt độ ngoài da hạ thấp vì các tế bào không được tiếp tế đầy đủ dưỡng khí để làm cho chúng hoạt động mạnh. Nạn nhân thường toát mồ hôi nhiều.
Những vi ti huyết quản, tức những huyết quản nối liền động với tĩnh mạch, ở chỗ bị thương, bất luận đó là vết thương do da bị phỏng hay bị gãy xương đều bị hại. Khi sự kích ngất kéo dài việc thiếu dưỡng khí trong máu lại làm cho vách các vi ti huyết quản khác bị yếu theo, và do đó chất lỏng trong máu có thể thoát ra ngoài, gây cho việc tuần hoàn càng trầm trệ hơn.
Sau tai nạn một loạt biến chuyển đã hủy hoại hệ thống bồi bổ của cơ thể. Hơn thế, chúng tạo nên ảnh hưởng bất thuận lợi cho tình trạng kích ngất đã diễn biến, làm cho nó thêm phần nguy kịch. Cái vòng nguy hại bất thường này một khi đã thành hình càng làm cho kích ngất nặng thêm, và gây ra sự hủy hoại hệ tuần hoàn và thần kinh trung khu phụ trách việc này đến độ không còn sửa chữa được nữa. Đã đến mức này thì điều trị cũng vô ích.
Trong trường hợp bị kích ngất nhẹ, chỉ sức cố gắng tự vệ của thân thể thôi, nạn nhân cũng có thể lành mạnh được. Còn trong trường hợp nặng hơn, sự điều trị có thể đem đến kết quả tốt. Trong hầu hết trường hợp quá trầm trọng, nạn nhân thường phải chết.
Những yếu tố liên quan đến kích ngất
Tuổi tác là một yếu tố quan trọng của kích ngất. Một người trưởng thành, khỏe mạnh có thể chịu đựng nổi vết thương gây cho trẻ em, người cao niên và yếu ớt bị kích ngất. Mất máu là khởi điểm của kích ngất và nếu cứ tiếp tục xuất huyết làm tình trạng kích ngất nguy kịch hơn. Gãy xương có thể gây nên kích ngất và chuyên chở một nạn nhân chưa được cột que đỡ càng làm cho người kích ngất nặng thêm. Sự đau đớn do thương tích, nếu cứ kéo dài có thể gây nên kích ngất, và nếu đã bị kích ngất rồi, càng thêm trầm trọng.
Những người thiếu ăn, thiếu uống, vì lý do này không thôi, cũng rất dễ bị kích ngất. Bị phơi lạnh vì nước hay không khí, hoặc bị nóng quá cũng là cớ để chứng kích ngất phát triển. Mệt mỏi, thiếu ngủ, kiệt quệ thể xác cũng như tinh thần đều dễ bị kích ngất. Những người mang bệnh kinh niên bất kỳ bệnh gì đều không chịu nổi những vết thương như người mạnh khỏe.
Một người đang bị kích ngất nếu bị đối xử không khéo khi khám nghiệm hay chuyên chở càng bị kích ngất nặng thêm. Tóm lại, kích ngất là một trạng thái rất trầm trọng. Nó không phải là kết quả của một nguyên nhơn tầm phào, và không thể điều trị sơ sài được. Người cứu thương phải lo điều trị và thắng cơn kích ngất trước rồi lo đến việc cứu thương sau.
Triệu chứng
Người cứu thương phải nhớ luôn rằng một khi nạn-nhơn bị phỏng, bất luận nặng hay nhẹ, những vết thương chảy máu, gãy xương, bị thương tổn bất kỳ vào mức độ nào và ở bất kỳ một bộ phận nào của cơ thể đều có thể bị kích ngất hơn là tìm hiểu ảnh hưởng do kích ngất gây ra, trước khi nó đã phát triển đến độ không cứu chữa được nữa.
Sự trầm trọng của cơn kích ngất thay đổi nhiều giữa cơn suy nhược, choáng váng cấp thời đến độ chết thật. Ví dụ có người làm rớt một miếng sắt dẹp lên ngón chân ta, liền khi ấy ta cảm thấy đau đớn, rồi bải hoải cơ thể, mặt tái mét, toát mồ hôi trán, hai bàn tay lạnh và rít. Sau đó ta cảm thấy buồn nôn hoặc mửa. Nếu lúc ấy ta nằm dài ra chừng vài phút, những cảm giác khó chịu kia sẽ qua và không cần phải áp dụng những phương pháp điều trị quan trọng.
Người cứu thương cũng nên lưu ý điều này là sau một tai nạn, nạn nhân có thể vẫn tỉnh táo như không có việc gì xảy ra cả, ngoại trừ vết thương mà người ấy mang trong mình. Nhưng bất kỳ lúc nào trong khoảng thời gian vài giờ sau đó, người ấy sẽ có những dấu hiệu khác. Người sẽ than phiền cái cảm giác bải hoải, xây xẩm mặt mày và buồn nôn. Da mặt và tay chơn người sẽ lạnh và ướt bởi mồ hôi rồi tái lần. Hai mắt lờ lờ, mất thần trong khi con ngươi mở rộng ra và phồng lên.
Thoạt tiên người có thể trả lời những câu hỏi cách nhanh nhẹn và đầy đủ, nhưng bây giờ không thể nói suông câu nữa. Cần phải có một lượng kích thích cao độ mới chọc tỉnh người được. Rốt lại người hoàn toàn bất tỉnh.
Khi bị kích ngất, vách huyết quản trở nên mềm nhũn, yếu ớt và giãn nhiều. Vì thế tuy tim đập nhanh nhưng không có ảnh hưởng đến sự lưu-thông của máu. Đồng thời mạch rất yếu nên không dễ gì nhận ra được. Khi cơn kích ngất đã phát triển đến độ trầm trọng, người cứu thương không thể nào dò ra mạch được nữa. Huyết áp hạ xuống rất thấp, duy chỉ nhà chuyên môn mới nhận thấy được. Nạn nhân thường nôn và mửa. Hơi thở ngắn và mau, về sau không còn đều đặn. Thỉnh thoảng có tiếng thở dài lẫn lộn với những hơi thở ngắn. Mọi triệu chứng này đều do ảnh hưởng của vết thương và sự kém khuyết của việc tuần hoàn như đã luận ở trên.
Thiết tưởng cũng nên nhắc lại rằng, những triệu chứng này chỉ phát hiện khi cơn kích ngất đến lúc trầm trọng và mạng sống của nạn nhân như chỉ mành treo chuông.
Dấu hiệu kích ngất.
HÃY NHỚ: Mỗi nạn nhân có thương tích đều đang lâm nguy, phải được điều trị kích ngất ngay, bất luận có triệu chứng kích ngất hay không.
Phòng ngừa
Nên phòng bệnh hơn trị bệnh. Ta có thể phòng ngừa kích ngất cách hữu hiệu là dùng những phương pháp điều trị kích ngất để áp dụng cho người chưa có triệu chứng kích ngất.
Điều trị kích ngất
Cách điều trị kích ngất
Trị vết thương có thể gây kích ngất. Nên cầm máu ngay, vì chỉ nội việc mất máu cũng không đủ làm cho nạn nhân bị kích ngất nặng rồi. Khi thấy máu đang chảy hay áo quần dính máu chỉ rằng nạn nhân sắp bị kích ngất. Chỉ dùng đến dây thắt mạch như là biện pháp cuối cùng để cầm máu, khi các phương pháp khác đều không hiệu nghiệm. Nếu dùng dây thắt mạch ở tứ chi thì phần dưới của chân hoặc tay bị thương không nên ấp nóng nhân tạo. Sau khi bỏ dây thắt mạch, cơn kích ngất thường chuyển thành nặng thêm. Bị gãy một hay nhiều khúc xương thường bị kích ngất vì bị mất máu và huyết tương nhiều do các tổ chức nơi bị thương. Cử động tay, chân đã bị gãy làm cho mất máu thêm, vì vậy chỗ xương bị gãy cần phải được nghỉ yên bằng que đỡ mà chúng ta sẽ nghiên cứu trong bài sau.
Ấp nóng. Tứ chi của người bị kích ngất đều lạnh vì các huyết quản co thắt lại, vì bị mất máu và bị toát mồ hôi. Điều quan trọng nhất là nên giữ cho người bị kích ngất được ấm, tránh sự nhiễm lạnh, nếu phơi lạnh, cơn kích ngất sẽ trầm trọng thêm. Từ nhiều năm trước người ta thường hay ấp nóng nạn nhân bị kích ngất, nhưng phương pháp này đã được khảo xét và điều chỉnh lại, vì như chúng ta đã biết, sự lạnh ấy một phần lớn do huyết quản teo nhỏ lại để bổ khuyết cho việc tuần hoàn bị kém khuyết. Ngày nay người ta thường đắp mền cho nạn nhân thật kín mà không cần phải thêm sức nóng nhân tạo như chai nước nóng, hoặc nướng gạch (đá) nóng rồi ấp thêm cho nạn nhân. Nếu sức nóng trong người hơi dưới 37 độ, tức dưới độ trung bình một ít thì nạn nhân cảm thấy dễ chịu hơn. Chúng ta phải phân biệt giữa sự giữ cho nạn nhân ấm và ấp nóng nhân tạo.
Trong nhiều trường hợp, ta phải lót ở dưới và đắp ở trên để giữ hơi nóng đầy đủ hơn. Nếu để nạn nhân nằm trên mặt đất ẩm và lạnh thì dầu có đắp bao nhiêu mền ở phía trên cũng không thể giữ ấm họ được. Ta có thể dùng mền, áo dày, hay ván gỗ để lót cho nạn nhân kích ngất nằm. Nếu phải nhớm nạn nhân lên để lót mền phía dưới, phải hết sức thận trọng và nhẹ tay. Nếu đắp nhiều lớp mền, ta có thể lấy giấy báo lót xen kẽ. Đó là cách giữ nóng rất tốt. Chỉ nên vén áo quần đủ để xem xét nạn nhân và sau khi xem xét xong, phải phủ lại ngay. Nếu áo quần của nạn nhân bị ướt, nên thay liền. Ta nên làm nhẹ nhàng, mau lẹ và trong mọi sự, nhớ đừng phơi lạnh nạn nhân cách vô ích.
Trong mùa nóng không cần phải ấp nóng nhân tạo, nhưng vào mùa lạnh và trong trường hợp nạn nhân than quá lạnh, ta nên ấp nóng nhân tạo với tất cả sự dè dặt. Có thể dùng chai, lọ, keo, túi cao su v.v… để đựng nước nóng. Nếu tai nạn xảy ra dọc đường, nơi không có nhà cửa, ít nữa cũng có nước nóng trong bình xe hơi, hoặc dùng gạch, đá, miếng sắt dẹp cát v.v… đốt nóng để dùng.Đừng bao giờ
áp vật nóng thẳng vào da nạn nhân. Phải bọc lại cẩn thận sau khi áp vật ấy gần gò má hay khuỷu tay mình để thử trước. Nên để những vật nóng vào giữa kẽ hai chân, dọc theo mình và trên bụng, nếu không làm cho nạn nhân khó chịu.
HÃY NHỚ: Dễ làm phỏng một nạn nhân kích ngất vì xúc giác của họ không chính xác, hoặc họ đã bất tỉnh, rồi nên không cảm thấy nóng được nữa.
Quá nóng cũng rất nguy hiểm vì nó làm cho cơ thể toát mồ hôi nhiều nên mất thêm chất lỏng, đồng thời nó phá đổ sức tự vệ thiên nhiên của cơ thể bằng cách làm cho các huyết quản gần ngoài da nở lớn ra. Trong nhiều trường hợp kích ngất, nạn nhân bị chết sớm vì cớ bị áp nóng quá.
Thoa bóp tay chân nạn nhân cũng chẳng lợi gì. Tốt hơn nên để họ nằm yên.
Cách nằm của nạn nhân. Như chúng ta đã biết, khi cơn kích ngất phát triển thì số lượng máu chảy vào các bộ phận thiết yếu như tim và não bị giảm đi. Vì thế cần phải để nạn nhân nằm dài hoặc kê chân cao hơn đầu cỡ ba bốn tấc, để máu dồn về các bộ phận trên. Nếu nạn nhân được đặt trên giường, băng-ca hay tấm ván, ta có thể kê chân lên cách dễ dàng. Nhớ đừng cho nạn nhân bị kích ngất hay sắp bị kích ngất nằm gối.
Tuy nhiên cũng có một số trường hợp ngoại lệ đặc biệt là khi nạn nhân bị thương nơi ngực và có dấu khó thở, nên để nạn nhân nằm dài, kê đầu hơi cao một chút để dễ thở. Đừng để nạn nhân ngồi dậy, trừ khi họ bị thương nặng nơi ngực và khi bị chảy máu mũi. Nếu bị thương nơi đầu hay bị bể sọ, nên để nạn nhân nằm thẳng và đừng kê chân cao. Cũng nên nhắc lại rằng không bao giờ nên buộc nạn nhân phải đứng dậy hay đi.
Vấn đề uống nước: Nếu nạn nhân không bị thương nơi bụng và chịu được nước, ta có thể cho họ uống. Nhưng nếu nạn nhân buồn nôn hay mửa không nên cho uống nước, vì chất lỏng vào sẽ tăng thêm dấu hiệu nôn mửa và làm cho mệt thêm. Nếu nạn nhân được đưa đi bệnh viện sớm, hoặc phải chịu một cuộc giải phẫu, tốt hơn không cho uống nước hay chất lỏng nào khác. Trong các trường hợp thường, ta có thể cho nạn nhân uống nửa ly nước mỗi lần và cách nhau khoảng 30 phút, pha thêm nửa muỗng cà phê rượu mùi ammoniac (ammoniac que aromatisé). Nên cho nạn nhân uống từng muỗng nước thay vì đổ cả ly vào miệng họ. Có thể dùng trà, cà phê đậm, sữa hoặc nước canh nóng để cho nạn nhân uống. Các chất lỏng nầy phải nóng vừa sức chịu của nạn nhân vì sức nóng đó rất cần thiết cho việc chống kích ngất. Khi nạn nhân bị kíchngất vì bể sọ hay xuất-huyết
thì không nên cho uống các chất kíchthích.
Đừng bao giờ cho người bất tỉnh uống chất lỏng nào cả vì nó có thể lọt vào khí quản, làm cho nạn nhân bị ngộp hơi và gây cho họ chứng sưng phổi.
Nếu nạn nhân đã bất tỉnh, nhỏ vài giọt rượu mùi ammoniac hay chất ammoniac (nước đái quỷ) vào khăn tay và để gần mũi họ.
Tóm lại
1. Đừng làm hại nạn nhân với những đụng chạm và cật vấn cách vô ích.
2. Cầm máu ngay, nếu có xuất huyết. Điều trị các vết thương như cách đã và sẽ bàn tới.
3. Giữ nạn nhân được ấm luôn. Đừng phí thì giờ và năng lực để tìm cách kích thích nạn nhân. Tuy trà và cà phê là chất kích thích, nhưng hai chất ấy được dùng để giúp nạn nhân ấm, dễ chịu và bổ khuyết chất lỏng của cơ thể bị hao mất vì vết thương.
4. Mời bác sĩ đến ngay.