Khuy áo

Khuy áo

Khuy áo, Hắc châu sét - Pittosporum ferrugineum Alton, thuộc họ Khuy áo - Pittosporaceae.

Mô tả của cây Khuy áo:

Khuy áo là dạng cây to, có thể cao tới 20m. Cành màu nâu có lỗ bì nhạt. Lá mọc so le hay gân mọc vòng, hình mũi mác hay trái xoan-mũi mác, nhọn ít nhiều ở đầu, thót lại ở gốc, dài 6-10cm, rộng 20-25mm, có lông màu gỉ sắt khi còn non rồi nhẵn; mép hơi uốn lượn, mỏng, mặt trên bóng; gân bên 5-7 đôi nổi rõ ở mặt dưới, lõm ở mặt trên.

Hoa mọc thành tán có cuống, có lông màu gỉ sắt; 3-10 nhánh mang mỗi nhánh 4-5 hoa màu hơi xanh, gần như không cuống. Lá đài rời nhau, rất nhọn, dài 2-5mm, có lông mi ở mép. Cánh hoa 5, hình dải nhọn, rời nhau dài 6-7mm. Nhị 5, ngắn hơn; bao phấn hình trái xoan-tù. Bầu hình trứng-trụ, hơi thót ở gốc, có lông nhung màu hung; vòi nhuỵ hơi ngắn hơn, giá noãn 2, mỗi cái có 8 noãn xếp thành 2 dãy. Quả nang tròn, dẹp, đường kính 8-11mm; van 2, gần hoá gỗ; mặt trong có khía; hạt 16, màu đen.

Sinh thái của cây Khuy áo:

Khuy áo mọc rải rác trong rừng thưa.

Ra hoa tháng 1-3.

Phân bố của cây Khuy áo:

Khuy áo phân bố ở Quảng Trị, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Bà Rịa-Vũng Tàu, An Giang, Kiên Giang; có trồng ở các đường phố Hà Nội.

Còn có ở Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia đến Inđônêxia, Papua Niu Ghinê và Ôxtrâylia.

Bộ phận dùng của cây Khuy áo:

Vỏ, vỏ rễ cây Khuy áo - Cortex et Cortex Radicis Pittospori.

Công dụng làm thuốc của cây Khuy áo:

Ở Papua Niu Ghinê, vỏ cây Khuy áo được cắt thành mảnh nhỏ, nướng lên dùng ăn với tro muối cổ truyền và rau xanh để làm cho người bị ngộ độc nôn mửa. Có nơi, người ta dùng vỏ rễ nhét vào chân răng đau để giảm đau đớn tức thì.

Các câu hỏi liên quan

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...