Khúng khéng
Khúng khéng - Hovenia dulcis Thunb., thuộc họ Táo ta - Rhamnaceae.
Mô tả của cây Khúng khéng:
Khúng khéng là dạng cây gỗ cao tới 10-15m. Vỏ cây màu nâu xám, cành non có lông và lỗ bì. Lá mọc so le, phiến lá xoan, nhọn, có răng, dài 10-15cm, rộng 5-9cm, nhẵn hay có lông bột trên các gân ở mặt dưới; cuống lá dài 3-5cm.
Hoa màu trắng hay lục nhạt, ở nách lá, thành xim có cuống. Quả hình cầu, gần như khô trên một cuống quả phồng ra, nạc, ngọt, màu đo đỏ. Hạt tròn dẹt, bóng, màu nâu.
Sinh thái của cây Khúng khéng:
Khúng khéng mọc rải rác trong rừng thứ sinh, vùng núi đá. Cũng được trồng bằng cách gieo hạt hoặc giâm cành. Ra hoa tháng 5-10, có quả tháng 10-11.
Phân bố của cây Khúng khéng:
Khúng khéng phân bố ở Cao Bằng, Lạng Sơn.
Còn có ở Trung Quốc, Nhật Bản.
Bộ phân dùng của cây Khúng khéng:
Hạt, vỏ rễ, cuống quả cây Khúng khéng - Semen, Cortex Radicis et Pendunculus Hoveniae.
Hạt dùng với tên Chỉ củ tử - 枳棋子.
Người ta còn sử dụng lá cây, rễ, phần chất gỗ của cây, dịch cây, vỏ cây.
Vào tháng 10-11 khi quả chín, người ta bắt đầu hái quả để nguyên cuống đem phơi khô, hoặc nghiền quả ra để lọc lấy hạt, đem phơi khô.
Thành phần hoá học của cây Khúng khéng:
Cuống quả của cây Khúng khéng chứa đường glucose (11,14%), fructose (4,74%), sucrose (12,59%). Quả chứa các muối kali nitrat, kali malat. Hạt chứa alcaloid perlorin, perlolyrin, B- carbolin. Lá chứa các saponin triterpenoid.
Tính vị, tác dụng của cây Khúng khéng:
Hạt cây Khúng khéng có vị ngọt, chua, tính bình; vỏ rễ có vị chát, tính ấm. Hạt có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi niệu, trừ phiền chỉ khát, giải độc rượu, hoạt huyết thư cân. Cuống quả có tác dụng kiện vị, hoạt huyết.
Công dụng làm thuốc của cây Khúng khéng:
Cuống quả Khúng khéng ngọt và mát được dùng ăn ở Trung Quốc và Nhật Bản. Hạt Khúng khéng là thuốc bổ, giải độc, chữa ngộ độc rượu, tiểu tiện không thông, cơ thể gầy yếu, khát nước, khô cổ. Ngày dùng 3-5g ngâm rượu uống.
Ở Trung Quốc, cuống quả Khúng khéng dùng trị say rượu, phiền nhiệt miệng khát, ẩu thổ, đại tiểu tiện bất lợi; vỏ rễ và rễ dùng trị ho lao thổ huyết, phong thấp đau gân cốt.
Lá, cành của cây Khúng khéng đem nấu thành cao uống thì công hiệu giống như quả, vỏ cây lại còn có thể dứt nôn ói, giải độc rượu cũng như giải độc Ô đầu - Aconitum. Ở Cao Bằng, nhân dân cũng dùng lá tươi nấu nước uống chống say rượu.
Gỗ cây Khúng khéng dùng làm gối kê đầu cho người say rượu và cũng dùng nấu nước cho người say rượu uống để giã rượu.
Dịch cây Khúng khéng dùng trị hôi nách; phối hợp với Thanh mộc hương, Đào, Liễu và sữa phụ nừ đun nước rửa.
Vỏ cây Khúng khéng có công dụng hoạt huyết, thư giãn gân cốt, dùng trị ăn không tiêu và giải độc ô đầu.