Không chủ quan với bệnh huyết áp thấp
Chúng ta thường hay quan tâm và nhắc nhiều đến bệnh tăng huyết áp. Nhưng cũng có rất nhiều người huyết áp thấp và đa số đều chủ quan, cho rằng nó không nguy hiểm, điều này dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm không kém bệnh tăng huyết áp.
Huyết áp thấp được định nghĩa là khi số đo huyết áp <90/ 50mmHg, hoặc giảm nhiều hơn 20mmHg so với trị số huyết áp bình thường trước đó kèm theo các triệu chứng do giảm máu đến các cơ quan như chóng mặt, mệt, tay chân tê, lạnh, hồi hộp, tim đập nhanh.
Huyết áp thấp là một trạng thái biến đổi sinh lý do hậu quả của nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra như:
- Huyết áp thấp do giảm thể tích máu: do mất máu hay mất nước (chấn thương gây chảy máu, tiêu chảy, nôn mửa, dùng thuốc lợi tiểu...), do cơ thể giảm tạo ra máu (suy dinh dưỡng, bệnh của tủy xương...).
- Huyết áp thấp do giảm sức bơm của tim: các bệnh lý tim mạch.
- Huyết áp thấp do giảm sức co của mạch máu: dùng các loại thuốc làm giãn mạch máu, do cường thần kinh đối giao cảm (là hệ thần kinh làm giãn mạch) hay do suy yếu thần kinh giao cảm (là hệ thần kinh gây co mạch)...
Một số triệu chứng nổi bật:
- Mệt mỏi, lả và rất muốn được nghỉ ngơi.
- Hoa mắt chóng mặt.
- Khó tập trung và dễ nổi cáu.
- Có cảm giác buồn nôn.
- Suy giảm khả năng tình dục.
- Da nhăn và khô, kèm theo rụng tóc.
- Vã mồ hôi nhưng vẫn cảm thấy lạnh.
- Thở dốc, nhất là sau khi leo lên cầu thang hay làm việc nặng.
Những người huyết áp thấp cần phải ngủ đủ giấc, khoảng 9-11 tiếng/ngày. Ngoài ra, người huyết áp thấp phải biết thức dậy đúng cách. Vì khi ngủ, máu sẽ tập trung vào khu vực dạ dày (gan, phổi, lá lách), xuất hiện tình trạng thiếu máu não tạm thời. Nếu người huyết áp thấp ngồi dậy đột ngột, có thể bị ngất đi (bất tỉnh). Khi thức dậy, cần phải nằm thêm một lúc, tập một vài động tác thể dục đơn giản (vận động các khớp xương chân tay). Sau đó ngồi dậy, để chân trên giường, rồi mới từ từ cho chân ra khỏi giường và vẫn tiếp tục ngồi. Khi đứng dậy nên vịn vào ghế, cứ đứng như thế một lúc, sau cùng mới bước đi.