Khôi nước

Khôi nước

Khôi nước, Cọ tưa - Baliospermum montanum (Willd.) Muell. - Arg. (B. axillare Blume), thuộc họ Thầu dầu - Euphorbiaceae.

Mô tả của cây Khôi nước:

Khôi nước là dạng cây bụi cao 1,5-2m. Các nhánh khá bậm, có góc, hơi có lông mịn. Lá hình bầu dục, thuôn hay hình ngọn giáo, tù ở gốc, thon nhọn ở chóp, khía răng cưa thô có khi chia ba thuỳ, cứng và dày, dài 10-18cm, rộng 5-7cm, rải rác có ít cái lông trên các gân ở mặt dưới. Hoa xếp 1-3 cái ở các mấu, thường là đơn tính, hoa đực nhiều, hoa cái ít hơn. Quả nang 3 mảnh, đường kính 1cm, có lông như bột. Hạt hình trái xoan, hung hung điểm nâu, dài 6mm, rộng 5mm.

Sinh thái của cây Khôi nước:

Khôi nước mọc ven rừng, lùm bụi, trên đất laterit, ở độ cao 100-700m.

Phân bố của cây Khôi nước:

Khôi nước phân bố ở Lạng Sơn, Hoà Bình, Thái Nguyên, Hà Nội, Ninh Bình, Kon Tum, Bình Dương, Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, An Giang, Cần Thơ.

Còn có ở Ấn Độ, Mianma, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaixia, Inđônêxia.

Bộ phận dùng của cây Khôi nước: 

Hạt, rễ, vỏ, lá cây Khôi nước - Semen, Radix, Cortex et Folium Baliospermi.

Tính vị, tác dụng của cây Khôi nước:

Hạt cây Khôi nước gây kích thích và làm chuyển máu, cũng có tác dụng tẩy xổ, dầu hạt và rễ, lá cũng tẩy xổ.

Ớ Trung Quốc, hạt được xem là có tác dụng như Ba đậu; rễ, vỏ giải độc, khu trùng.

Công dụng làm thuốc của cây Khôi nước:

Hạt cây Khôi nước dùng trị rắn cắn; dầu hạt được sử dụng ở Ấn Độ đắp ngoài trị thấp khớp, ở Trung Quốc dùng Khôi nước thay cho hạt Ba đậu. Với liều cao sẽ gây độc. Lá được sử dụng làm thuốc trị đau lưng, đau thần kinh, sốt cao phát cuồng (phát thiêu tâm hoảng); còn ở Malaixia làm thuốc tẩy. Ở Ấn Độ, người ta sắc uống trị hen suyễn. Ở Thái Lan, người ta còn dùng nước sắc rễ cây Khôi nước uống làm thuốc tẩy. Ở Ấn Độ, nước sắc rễ còn dùng trị tích dịch, phù toàn thân và vàng da.

Ở nước ta, nhân dân một số nơi dùng rễ cây Khôi nước làm thuốc chữa viêm họng và giải thuốc độc. Lá dùng chữa rắn cắn.

Các câu hỏi liên quan

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...