Khoáng chất - Ngọc trong đá
Cơ thể chúng ta chỉ cần một lượng khoáng chất rất ít nhưng vai trò của chúng thì vô cùng quan trọng. Khoáng chất hỗ trợ hình thành và phân hủy mô, đồng thời góp phần điều hòa quá trình trao đổi chất.
Ngọc trong đá
Cơ thể chúng ta chỉ cần một lượng khoáng chất rất ít nhưng vai trò của chúng thì vô cùng quan trọng. Khoáng chất được chia thành hai nhóm: khoáng chất đa lượng và khoáng chất vi lượng, tùy theo tỷ lệ đóng góp của chúng so với tổng trọng lượng cơ thể và tùy theo số lượng mà cơ thể cần trong khẩu phần ăn mỗi ngày.
Khoáng chất đa lượng
tạo nên trên 0,005% trọng lượng cơ thể và chúng ta cần phải nhận được hơn 100mg mỗi ngày, bao gồm canxi, magie, photpho, kali, natri, lưu huỳnh.
Khoáng chất vi lượng
tạo nên dưới 0,005% trọng lượng cơ thể và chúng ta cần ít hơn 100mg mỗi ngày. Các yếu tố vi lượng này cũng đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe, bao gồm crom, đồng, florua, i-ốt, sắt, selen và kẽm.
Các khoáng chất kết hợp với nhau trong quá trình hình thành và phân hủy các mô của cơ thể, cũng như trong việc điều hòa quá trình trao đổi chất – các phản ứng hóa học liên tục diễn ra trong cơ thể. Ví dụ, bộ xương là một khung các protein collagen tập trung hầu hết lượng canxi, photpho và magiê của cơ thể. Các khoáng chất được dự trữ trong xương, phòng khi chế độ ăn uống bị thiếu chất (như thiếu canxi chẳng hạn) thì một số khoáng chất được phóng thích từ xương để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Răng cũng chứa một lượng đáng kể canxi và photpho.
Thiếu khoáng chất
Tình trạng thiếu khoáng chất phổ biến, với các bệnh đi cùng đó là: thiếu canxi (dẫn đến loãng xương), thiếu i-ốt (dẫn đến bướu cổ), thiếu florua (dẫn đến sâu răng), thiếu sắt (dẫn đến chứng thiếu máu). Do cơ thể có khả năng dự trữ và tái sử dụng khoáng chất nên có thể mất vài năm thì các triệu chứng mới bắt đầu xuất hiện.
Nguyên nhân của tình trạng thiếu khoáng chất có thể là sơ cấp hoặc thứ cấp. Tình trạng thiếu khoáng chất sơ cấp xảy ra nếu cơ thể không nhận đủ khoáng chất từ thực phẩm.
Tình trạng thiếu khoáng chất thứ cấp xảy ra khi chúng ta ăn uống đầy đủ nhưng có những yếu tố khiến cơ thể không thể hấp thu hoặc sử dụng khoáng chất. Kém hấp thu khoáng chất có thể là do các chứng rối loạn ở đường ruột (như bệnh Crohn), tác dụng phụ của thuốc, hoặc do các chất khác trong thức ăn kết hợp với khoáng chất, khiến cơ thể không thể hấp thu. Cơ thể cũng bị mất khoáng chất khi lạm dụng rượu bia, ra mồ hôi quá nhiều hoặc do đang uống thuốc điều trị bệnh.