Khoai vạc
Khoai vạc, Củ cái, Củ mỡ, Củ cẩm, Củ đỏ, Củ tía, Khoai tía, Khoai ngà, Khoai long, Khoai bướu, Khoai mỡ, Khoai trút, Khoai ngọt - Dioscorea alata L., thuộc họ Củ nâu - Dioscoreaceae.
Mô tả của cây Khoai vạc:
Khoai vạc là dạng cây thảo leo dài; củ to, thường đơn độc, có khi xếp 2-4 củ tuỳ thứ, hình dạng củ rất thay đổi, hoặc tròn, hoặc hình trụ, dạng con thoi, gần hình cầu, nguyên hay xẻ ngón, mọc sâu hay lộ thiên, có vỏ tím hay nâu xám, có lông; ruột củ màu trắng, màu ngà hay có màu tía; chất bột hơi dính. Thân nhẵn, có hình bốn cạnh, có cánh ở các cạnh. Lá đơn, hình tim to, mọc đối, nhẵn, dài tới 15cm, rộng 14cm, có 5 gân; phiến lá mềm, nguyên.
Hoa mọc khác gốc, thành bông, trục khúc khuỷu; cụm hoa cái thõng xuống. Quả nang có 3 cánh; hạt có cánh màu nâu đỏ. Cây đôi khi cũng có củ đeo như Khoai dái.
Sinh thái của cây Khoai vạc:
Khoai vạc là loài của vùng Ấn Độ - Malaixia, được trồng khắp nông thôn để lấy củ. Trồng được trên nhiều loại đất ở vườn ruộng hay nương rẫy. Nhân giống bằng củ. Trồng vào mùa xuân, thu hoạch vào mùa đông.
Phân bố của cây Khoai vạc:
Khoai vạc phân bố khắp nơi. Còn có ở một số nước châu Á, châu Phi, châu Mỹ.
Bộ phận dùng của cây Khoai vạc:
Củ cây Khoai vạc - Rhizoma Dioscoreae Alatae.
Thành phần hoá học của cây Khoai vạc:
Sơ bộ biết trong cây Khoai vạc có alcaloid độc.
Tính vị, tác dụng của cây Khoai vạc:
Khoai vạc có vị ngọt, tính bình. Bổ tỳ phế, sáp tinh khí, tiêu thũng, chỉ thống.
Công dụng làm thuốc của cây Khoai vạc:
Người ta thường dùng củ Khoai vạc ăn như Khoai vừa lành vừa bổ dưỡng. Lương y Lê Trần Đức cho biết trong trường hợp kém ăn, gầy gò hay đái đục, đái tháo, di mộng tinh, nấu cháo củ Mài hay củ mỡ ăn thì sẽ biết đói, ăn ngon cơm, vừa béo người, chắc bắp thịt, mà hết các chứng thận hư, mỏi lưng gối, tiết tinh, đái đục. A. Pételot cho biết là theo Loureiro, khoai vạc được dùng tốt để dưỡng sức cho người bị bệnh lao, các bệnh về phổi; còn theo R.p. Robert thì củ này có hiệu quả tốt đối với bệnh thận và lách.
Ở Ấn Độ, củ Khoai vạc được dùng trị bệnh phong, trĩ và lậu.