Khoai thơm

Khoai thơm

Khoai thơm - Steudnera henryana Engl. (S. colocasiaefolia c. Koch), thuộc họ Ráy - Araceae.

Mô tả của cây Khoai thơm:

Khoai thơm là dạng cây cỏ sống lâu năm; thân dài 10-15cm, đường kính 1-1,5cm, bao phủ bởi nhiều sợi màu nâu do bẹ lá rách ra. Lá hình khiên, phiến hình trứng - thuôn, dài 14-30cm, rộng 8-18cm, thót nhọn ở đầu, cụt hay hơi lõm ở gốc; cuống lá dài 30-45cm, phần trên có đường kính 2,5-4mm, phần dưới có bẹ.

Cụm hoa có cuống dài 8-15cm; mo có màu vàng nhạt ở mặt ngoài, màu đo đỏ ở trong, hình trứng hay trứng-mác, dài 5-8cm, rộng 4cm, ở trên hơi khum và thót thành đuôi nhọn ở đầu; trục của bông dài 23mm; phần mang hoa cái ở dưới hình trụ, dài 15mm, đường kính 3mm; phần mang hoa đực ở trên hình chuỳ, dài 8mm, đường kính 6mm. Các bao phấn hợp với nhau thành hình nón ngược, có 6-7 ô, mở ở đỉnh bởi những lỗ kéo dài. Bầu hình cầu, mang hai đầu nhụy xoè ra ở đầu.

Sinh thái của cây Khoai thơm:

Cây khoai thơm chịu bóng và ưa ẩm, mọc thành đám nhỏ trên vách đá vôi có đất ẩm hoặc ở ven suối, dưới tán rừng ẩm, ở độ cao lên đến 1000m.

Mùa hoa tháng 3-7.

Phân bố của cây Khoai thơm:

Khoai thơm phân bố ở Hà Giang, Tuyên Quang, Hoà Bình, Hà Nội, Ninh Bình. Còn có ở Trung Quốc, Lào.

Bộ phận dùng của cây Khoai thơm:

Thân rễ cây Khoai thơm - Rhizoma Steudnerae Henryanae.

Tính vị, tác dụng của cây Khoai thơm:

Khoai thơm có vị cay, tính ấm, có độc; có tác dụng tiêu thũng, sát trùng, chỉ huyết, giải độc, chỉ thống, khư phong thấp, thư cân lạc, tiêu viêm.

Công dụng làm thuốc của cây Khoai thơm:

Ở Vân Nam (Trung Quốc), thân rễ cây Khoai thơm dùng trị vết thương dao chém, vết thương hở xuất huyết, rắn và côn trùng cắn, viêm mạch quản do tắc động mạch, đòn ngã tổn thương, phong thấp viêm khớp, viêm dạ dày-ruột. Có nơi còn dùng trị sang dương thũng độc.

Ghi chú: Phụ nữ có thai cấm dùng Khoai thơm.

Các câu hỏi liên quan

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...