Khoai tây
Khoai tây - Solanum tuberosum L., thuộc họ Cà - Solanaceae.
Mô tả của cây Khoai tây:
Khoai tây là dạng cây thân thảo mềm cao 45-50cm. Có hai loại cành, cành ở trên mặt đất có màu xanh; cành nằm trong đất màu vàng, phình to lên thành củ hình cầu, dẹt hoặc hình trứng, chứa nhiều chất dự trữ, nhất là tinh bột, mà ta thường gọi là củ Khoai tây. Lá kép lông chim lẻ, mọc so le, có 3-4 đôi lá chét không đều nhau. Hoa màu trắng hoặc màu tím lam, hình phễu. Quả mọng hình cầu.
Sinh thái của cây Khoai tây:
Khoai tây được trồng từ lâu đời ở Nam Mỹ. Được đưa vào châu Âu vào cuối thế kỷ 16. Ở nước ta, người Pháp đem vào trồng vào cuối thế kỷ 19 và ngày nay, Khoai tây được trồng rộng rãi trong vụ đông ở các tỉnh phía Bắc; cũng được trồng ở các vùng núi cao ở miền Bắc và cả ở miền Nam (Lâm Đồng).
Ở nước ta, giống Khoai tây ruột vàng là giống trồng phổ biến hiện nay đã được chọn lọc, nhân và giữ giống từ lâu nay. Khoai tây là cây trồng lấy củ làm lương thực cho con người, cũng như Lúa mì, Ngô, Gạo và Lúa mạch.
Phân bố của cây Khoai tây:
Khoai tây được trồng khá phổ biến ở Việt Nam, nhất là ở các tỉnh trung du và miền núi.
Bộ phận dùng của cây Khoai tây:
Củ Khoai tây - Tuber Solani Tuberosi.
Lá cũng được sử dụng.
Thành phần hoá học của cây Khoai tây:
Trong củ Khoai tây có nhiều chất dinh dưỡng với hàm lượng cao so với nhiều cây loại cốc và cây thực phẩm khác. Trong Khoai tây có 75% nước, 2% protid, 21% glucid, 1% cellulose, 1% tro, 10mg% calcium, 50mg% phosphor; 1,2mg% sắt, 15mg% vitamin C; 0,1mg% vitamin B1, 0,05mg% vitamin B2. Cũng cần chú ý là trong tất cả các bộ phận củ cây đều có chất solanin là glucosid độc. Chất này đặc biệt có nhiều trong phần xanh của cây, nếu củ mọc mầm xanh thì các mầm này rất độc. Cánh hoa trắng tươi chứa 0,2% rutin.
Tmh vị, tác dụng của cây Khoai tây:
Củ Khoai tây có vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ trung ích khí, kiện tỳ vị, tiêu viêm.
Công dụng làm thuốc của cây Khoai tây:
Khoai tây ngoài giá trị là lương thực, thực phẩm còn có tác dụng chữa được một số bệnh. Khoai tây luộc chín là một loại thuốc dân gian Nga để chữa một số bệnh về tim. Nước ép Khoai tây có tác dụng chữa bệnh cường toan acid dạ dày và làm co bóp nhu động của ruột. Bột Khoai tây được dùng trong bệnh viêm dạ dày tá tràng và chống nhiễm độc. Khoai tây thái mỏng, làm thuốc cao dán trên các vết thương, bỏng và eczema. Có nơi nhân dân dùng vỏ Khoai tây sắc uống chữa đau bụng và dùng vỏ củ Khoai tây luộc bóc ra đắp vết bỏng cũng chóng lành. Nhân dân còn dùng hơi nóng nước Khoai tây luộc để xông hít chữa các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.
Ở Phi châu (Tuynidi), người ta dùng Khoai tây làm thuốc đắp ở đầu và trán trong trường hợp say nắng và để làm hạ sốt. Người ta cũng dùng đắp trị bỏng độ 1. Hoa Khoai tây dùng pha nước uống làm hạ huyết áp. Solanin trong Khoai tây cũng có tác dụng chống dị ứng và làm thuốc giảm đau.
Ở Trung Quốc, củ Khoai tây được dùng ngoài trị viêm tuyến nước bọt và trị bỏng; lá Khoai tây dùng ngoài chữa lở loét và loét chi dưới.