Khoai sọ

Khoai sọ

Khoai sọ, Khoai môn - Colocasia antiquorum Schott [C. esculenta Schott var. antiquorum (Schott) Hubb.], thuộc họ Ráy - Araceae.

Mô tả của cây Khoai sọ:

Khoai sọ là dạng cây thảo, có phần gốc phình thành củ lớn sần sùi hình trứng, có thể đẻ nhánh cấp 1-2-3 thành nhiều củ con sít nhau. Lá hình khiên, dài tới 20-50 cm, gốc hình tim, cuống lá mập, bẹ ôm thân, mọc đứng, dài tới 1-2cm. Mo có màu vàng nhạt, ống thuôn, màu lục nhạt, ngắn, liền, phiến hình mũi mác hẹp có mũi dài. Trục hoa ngắn hơn mo, có 4 phần, phần hoa cái dưới cùng, tiếp đến một phần không sinh sản, trên nữa là phần hoa đực dài gấp đôi phần hoa cái, cuối cùng là phần không sinh sản, nhọn mũi. Hoa không có bao hoa; hoa đực có nhị tụ nhiều cạnh, hoa cái có bầu 1 ô, vòi rất ngắn. Quả mọng, hạt có nội nhũ.

Sinh thái của cây Khoai sọ:

Cây khoai sọ mọc dại và cũng được trồng ở nông thôn để lấy củ ăn. Người ta đã tạo được nhiều giống địa phương, giống Mống hương, cây nhỏ, trồng ở đồng màu, ruột củ màu phớt vàng hay hồng, ăn ngon; giống Mống riềng, năng suất cao nhưng ăn ngứa; giống Khoai đốm, cây cao, có thể trồng trên cạn hay dưới nước, củ ăn rất ngứa. Nói chung, Khoai sọ trồng ở ruộng không thoát nước thường ngứa. Thường được trồng vào tháng 11-12, thu hoạch vào tháng 7 ở Bắc bộ. Có thể trồng Khoai sọ ở nhiều loại đất.

Phân bố của cây Khoai sọ:

Khoai sọ trồng phổ biến ở Bắc bộ vào Quảng Trị, Khánh Hoà, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Sóc Trăng.

Còn có ở Ấn Độ, các nước nhiệt đới khác ở châu Á.

Bộ phận dùng của cây Khoai sọ:

Củ và lá cây Khoai sọ - Rhizoma et Folium Colocasiae Antiquori.

Thành phần hoá học của cây Khoai sọ:

Trong 100g củ khoai sọ tươi có chứa nước 69g, protid 1,8; lipid 0,1; glucid 26,5; cellulose 1,2; tro 1,4 và 64mg calcium, 75mg phosphor; 1,5mg sắt; 0,02mg caroten; 0,06mg vitamin B1; 0,03mg vitamin B2; 0,1mg vitamin pp, 4mg vitamin C. Trong 100g củ Khoai sọ khô có 15g nước; 3,1g protid; 2,2g lipid; 73g glucid; 3,1g cellulose; 3,6g chất khoáng toàn phần.

Tính vị, tác dụng của cây Khoai sọ:

Củ Khoai sọ mọc dại thường có màu tím, ăn thì phá khí, không bổ. Củ Khoai trồng có bột màu trắng, dính, có vị ngọt hơi the, trơn, tính bình, điều hoà nội tạng, hạ khí đầy, bổ hư tổn. Lá Khoai sọ vị cay, tính lạnh, trơn; có tác dụng trừ phiền, cầm đi tiêu.

Sách Vân Nam trung dược tư nguyên danh lục ghi: Thân củ Khoai sọ (Dã vu) có vị cay, tính lạnh, có ít độc; có tác dụng giải độc, tiêu thũng, chỉ thống, sát trùng.

Công dụng làm thuốc của cây Khoai sọ:

Khoai sọ có dùng ăn chữa được hư lao yếu sức. Ta thường luộc để ăn chống đói, nấu canh với rau rút, cua đồng hoặc nấu với cá quả, cá diếc. Dùng ngoài chữa phong ngứa, mụn mủ. Lá sắc uống dùng chữa phụ nữ có mang tâm phiền mê man, thai động không yên. Liều dùng 20-30g, dùng riêng hay phối hợp với các vị thuốc khác. Dùng ngoài giã lá tươi đắp chữa rắn cắn, ong đốt hay mụn nhọt. Ngoài ra, dọc lá có thể muối dưa ăn hay làm thức ăn xanh cho lợn.

Ở Vân Nam (Trung Quốc), thân củ Khoai sọ dùng trị thũng độc, ma phong, đòn ngã tổn thương, giới tiên.

Đơn thuốc của cây Khoai sọ:

1.    Chữa trên mình nổi phong ngứa: Nấu củ Khoai sọ lấy nước tắm rửa.

2.    Chữa trẻ em đầu bị mò, lở chảy mủ nước: Dùng củ Khoai sọ to giã nhỏ đắp vào.

Các câu hỏi liên quan

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...