Khoai rạng

Khoai rạng

Khoai rạng, Củ nọc, Củ chuỳ, Củ rạng - Dioscorea glabra Roxb., thuộc họ Củ nâu - Dioscoreaceae.

Mô tả của cây Khoai rạng:

Khoai rạng là dạng cây có một củ hay nhiều củ hình chuỳ, ăn sâu vào trong đất, trên những cuống dài tới 50cm, màu xanh nâu, có thịt củ màu trắng; thân có gai ở gốc, hình trụ, màu lục, với những chấm màu tía. Lá mỏng, nhẵn, mọc đối, các lá ở phía dưới hình tim, các lá ở cụm hoa hình bầu dục - trái xoan, nhọn mũi, dài tới 20cm và rộng 12cm. Cụm quả nang hướng ra phía trước, có cuống thẳng, có cánh dài 22mm.

Sinh thái của cây Khoai rạng:

Khoai rạng mọc rải rác ven rừng, trong rừng mưa mùa, rừng lá rộng thường xanh, rừng tre nứa, trảng cây bụi.

Ra hoa tháng 8-10, có quả tháng 12 đến tháng 3 năm sau.

Phân bố của cây Khoai rạng:

Khoai rạng phân bố ở Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tom, Gia Lai, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh.

Còn có ở Ấn Độ, Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Malaixia, Inđônêxia.

Bộ phận dùng của cây Khoai rạng:

Củ Khoai rạng - Rhizoma Dioscoreae Glabrae.

Tính vị, tác dụng của cây Khoai rạng:

Khoai rạng có vị chát hơi cay, tính bình. Thông kinh hoạt lạc, chỉ huyết, chỉ lỵ.

Công dụng làm thuốc của cây Khoai rạng:

Vào lúc khan hiếm lương thực, người ta đào củ Khoai rạng về nấu ăn. Cũng được trồng để lấy củ làm thuốc thay Củ mài, nhưng không làm được tá dược trong bào chế thuốc viên được, vì chất bột không dính. Cũng dùng như Khoai vạc (củ cái) làm thuốc chữa ăn uống kém, gầy gò, hay đái đục, đái tháo và di mộng tinh.

Ở Vân Nam (Trung Quốc) củ cây Khoai rạng dùng trị lỵ, tử cung xuất huyết theo công năng, kinh nguyệt không đều, lưng cơ yếu mỏi, đau khớp xương do phong thấp, ngoại thương xuất huyết.

Các câu hỏi liên quan

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...