Khoai nước

Khoai nước

Khoai nước, Môn nước - Colocasia esculenta (L.) Schott, thuộc họ Ráy - Araceae.

Mô tả của cây Khoai nước:

Khoai nước là dạng cây thảo mọc hoang và được trồng, có củ ở gốc thân hình khối tròn. Lá có cuống cao đến 0,80m; phiến lá dạng tim dài 75cm, rộng 65cm, màu lục sẫm nhiều hay ít, tím hay nâu tuỳ giống trồng, gân nổi rõ. Mo vàng có phần ống xanh, đầu nhọn. Trục bông mo mang hoa đực và hoa cái, hoa cái có bầu nhiều noãn. Quả mọng vàng khi chín to 3-4mm.

Sinh thái của cây Khoai nước:

Khoai nước là loài được trồng nhiều ở nước ta và các xứ nhiệt đới để lấy củ ăn. Người ta còn phân biệt loại Khoai nước mọc hoang, mà người ta xếp vào một thứ của loài này - var. antiquorum (Schott) Hubb. et Rehd.; ở Trung Quốc, người ta gọi là Dã vu. Có tác giả tách ra hai loài riêng, nhưng cũng có người nhập vào một loài. Cũng có người gọi Khoai nước là Colocasia esculenta Schott, còn Khoai sọ hay Khoai môn là Colocasia antiquorum Schott. Hiện nay, do trồng trọt mà có nhiều thứ khác nhau ở màu sắc của lá, màu sắc của củ. Ta thường nói đến loại môn ngọt là loại Khoai môn có màu lục đậm với một đốm đậm nơi gắn của cuống. Khoai môn có khả nầng thích nghi tương đối rộng trên các loại đất: sét, thịt, cát pha, cát thô với độ pH cao. Khoai môn có 2 thời kỳ sinh trưởng, 6 tháng đầu phát triển dọc và lá, từ tháng thứ 7 phát triển củ; khi củ già, lá rụng dần.

Phân bố của cây Khoai nước:

Khoai nước được trồng phổ biến ở Bắc bộ và các tỉnh Quảng Trị, Thành phố Hồ Chí Minh, Sóc Trăng.

Còn có ở Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Inđônêxia.

Bộ phận dùng của cây Khoai nước:

Rễ củ, cuống lá, lá, hoa cây Khoai nước - Rhizoma, Petiolus, Folium et Flos Colocasiae Esculentae.

Thành phần hoá học của cây Khoai nước:

Lá và cuống lá của cây Khoai nước là nguồn cung cấp provitamin A và vitamin C. Củ chứa tới 30% một chất bột màu trắng, dính, không mùi vị với những hạt bột rất nhỏ. Trong củ có nhiều loại hoạt chất chát đắng làm kích thích các màng nhầy, nhất là ở ống tiêu hoá, có thể gây ngộ độc; mà có tác giả cho là sapotoxin. Nhưng hoạt chất đó tan trong nước và bay hơi, do đó khi nấu hoặc khi rửa kỹ đều làm mất hoạt chất trong củ. Trong củ còn có các tinh thể oxalat calcium gây cảm giác ngứa, nên khi luộc cần phải thay 2 lần nước thì ăn mới hết ngứa. Dù có luộc chín vẫn giữ lại 37-70% hàm lượng vitamin B1, còn riboflavin hay vitamin B2 và vitamin pp vẫn được giữ lại với một tỷ lệ khá cao.

Tính vị, tác dụng của cây Khoai nước:

Khoai nước có vị đắng, tính bình. Rễ củ có tác dụng khoan trường vị, phá túc huyết, khư tử cơ, tiêu lệ tán kết, đầu thượng nhuyến sang. Lá chỉ tả liễm hãn, tiêu thũng độc. Hoa có vị cay, tính tê, có độc.

Công dụng làm thuốc của cây Khoai nước:

Ta thương dùng củ Khoai nước nấu ăn với xôi hay nấu chè, làm bánh. Cuống lá cũng thường dùng làm rau ăn nhưng phải xát hoặc ngâm với muối để khỏi ngứa. Cũng dùng muối dưa ăn. Củ tươi giã nhỏ dùng đắp trị mụn nhọt có mủ. Dùng ngoài giã nhỏ, trộn với dầu dừa xoa đắp diệt ký sinh trùng và trị ghẻ. Lá dùng trị rắn cắn, ong đốt và mụn nhọt.

Ở Trung Quốc, rễ củ Khoai nước dùng trị nhiệt huyết phiền khát, viêm tuyến sữa, lở miệng, ung thũng đinh sang, cảnh lâm ba kết hạch, vết thương bỏng cháy, ngoại thương xuất huyết. Cuống lá dùng trị mày đay, tả lỵ và thũng độc. Lá dùng trị tiết tả, tư hãn, đạo hãn, thai động bất yên, rắn và côn trùng cắn, hoàng thuỷ sang, ung độc thũng thống. Hoa dùng trị tử cung thoát thuỳ, trẻ em kinh phong, đau dạ dày, thổ huyết và trĩ sang.

Ở quần đảo Xôlômôn, lá cây Khoai nước hơ lửa dùng đắp nhọt, ở Xamoa lá cây Khoai nước cũng được dùng trị nhọt, còn ở Malaixia, thân cây Khoai nước được dùng để điều trị vết thương.

Các câu hỏi liên quan

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...