Khoai nưa Vân Nam
Khoai nưa Vân Nam, Nưa Vân Nam - Amorphophallus yunnanensis Engler (A. kerrii N. E. Br.), thuộc họ Ráy - Araceae.
Mô tả của cây Khoai nưa Vân Nam:
Khoai nưa Vân Nam là dạng cây thảo cao tới 80cm; thân củ hình cầu dẹt, đường kính tới 7cm. Lá xuất hiện sau hoa, đơn độc; cuống lá dài tới 20cm, có những vằn màu trắng lục, có 3 lá chét, mỗi lá chét lại phân đôi, phiến xẻ thuỳ lông chim, các thuỳ ở đỉnh hình mũi mác, dài 15-20cm, các thuỳ ở gốc hình bầu dục tới hình mũi mác, dài 5-10cm. Cụm hoa dài 60cm, có mo hình tròn dạng trứng, dài 12-14cm; trục hoa ngắn hơn mo, phần mang hoa cái ở dưới dài cỡ 1,5cm, tiếp với phần mang hoa đực dài cỡ 2,5cm, phần cuối của trục hình bầu dục, ít nhiều dạng 3 con thoi, dài 4-5cm, đường kính 2-2,5cm. Hoa cái có vòi nhuỵ dài cỡ đầu nhụy nguyên; hoa đực có nhị mặt trên hình vuông, bao phấn có lỗ ở đỉnh.
Sinh thái của cây Khoai nưa Vân Nam:
Khoai nưa Vân Nam mọc dưới tán rừng thường xanh, hoặc rừng nửa rụng lá nguyên sinh, trên đất màu mỡ của núi đá phiến đang phân hoá ở độ cao lên đến 2300m.
Phân bố của cây Khoai nưa Vân Nam:
Khoai nưa Vân Nam phân bố ở Lai Châu (Tuần Giáo), Lào Cai (Lao Chải), Hoà Bình. Còn có ở Trung Quốc, Thái Lan.
Bộ phận dùng của cây Khoai nưa Vân Nam:
Thân củ của cây Khoai nưa Vân Nam - Rhizoma Amorphophalli Yunnanensis.
Công dụng làm thuốc của cây Khoai nưa Vân Nam:
Ở Vân Nam (Trung Quốc), củ cây Khoai nưa Vân Nam được dùng ngoài trị sang dương thũng độc, rắn cắn, viêm hạch lymphô (lâm ba kết hạch), mụn nhọt sưng đỏ.