Khoai mía
Khoai nưa, Khoai ngái, Nưa trồng - Amorphophallus konjac K. Koch (A. rivieri Dur.), thuộc họ Ráy - Araceae.
Mô tả của cây Khoai nưa:
Khoai nưa là dạng cây thảo có củ lớn hình cầu lõm, đường kính có thể tới 25cm; trước ra hoa, sau ra lá. Mỗi lá chia làm 3 nhánh, các nhánh lại chia đốt, phiến lá xẻ thuỳ sâu hình lông chim, các thuỳ cuối hình quả trám thuôn, nhọn đầu; cuống lá thon, dài 40-80cm, nhẵn, màu lục nâu, có điểm các chấm trắng. Cụm hoa có mo lớn, phần bao mo màu lục nhạt điểm các vết lục thẫm, ở phía mép màu hung tím, mặt trong màu đỏ thẫm. Trục hoa dài gấp đôi mo. Quả mọng.
Sinh thái của cây Khoai nưa:
Cây khoai nưa được trồng ở các tỉnh miền núi và nông thôn từ lâu đời.
Phân bố của cây Khoai nưa:
Khoai nưa phân bố ở Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang và nhiều nơi khác. Còn phân bố ở Nhật Bản, Trung Quốc, Philippin.
Bộ phận dùng của cây Khoai nưa:
Củ khoai nưa - Rhizoma Amor phophalli.
Hoa cũng được sử dụng. Củ dùng làm thuốc cũng phải chế biến, thái mỏng ngâm nước vo gạo một đêm, sau ngâm nước phèn chua một đêm, phơi khô, rồi nấu với Gừng (100g Gừng cho 1kg củ) trong 3 giờ cho hết cay.
Thành phần hoá học của cây Khoai nưa:
Người ta đã biết trong 100g củ Khoai nưa khô có tinh bột 75,16g; protein 12,5g; lipid 0,98; dẫn xuất không protein 3,27; cellulose 3,67; tro 4,42. Tỷ lệ tinh bột nhiều gấp đôi Khoai sọ.
Tính vị, tác dụng của cây Khoai nưa:
Khoai nưa có vị cay ngứa, tính ấm, có độc; có tác dụng hoá đờm, ráo thấp, trừ phong co cứng, thông kinh lạc, khỏi đau nhức, ấm tỳ vị, khỏi nôn mửa, tán hạch, tiêu sưng tấy.
Thân củ và hoa ở Trung Quốc được xem là có vị cay, tính ấm, có ít độc; có tác dụng tiêu thũng, tán kết, giải độc, chỉ thống, hoá đàm.
Công dụng làm thuốc của cây Khoai nưa:
Khoai nưa thường trồng lấy bột làm lương thực, lấy toàn cây và cành lá dùng nuôi lợn, lấy cuống lá (bèn) nưa dùng nấu canh dấm hoặc muối dưa ăn. Củ Khoai nưa có kích thước lớn, nếu thu hoạch sớm khi chưa già thì bở mà ít ngứa, để quá vụ mới bới thì sượng, không bở mà ngứa; để sang năm thì ngứa nhiều không ăn được. Khoai nưa bới sớm thì chỉ gọt vỏ, ngâm nước vo gạo độ nửa ngày, rồi nấu với một nhúm muối, độ 1 giờ là ăn được. Đối với củ già, củ to thì phải xứ lý bằng cách dùng vôi, tro để kiềm hoá. Ta thường dùng loại củ này bổ đôi hay bổ tư thành miếng nhỏ, ngâm nước phèn một đêm, rồi nấu với một cục vôi trong 1 giờ thì mới hết ngứa. Muốn dự trữ để dùng dần thì cũng phải thái miếng ngâm nước phèn một đêm, đem phơi, rồi ngâm với nước nóng hoà vôi trong 1/2 ngày, đem phơi khô. Củ được dùng làm thuốc chữa đờm tích trong phổi sinh suyễn tức, trúng phong bất tỉnh, cấm khẩu, chứng đau nhức, bụng đầy, ngực tức, ăn uống không tiêu. Còn dùng trị sốt rét, trục thai chết. Liều dùng 4-12g. Dùng ngoài lấy củ tán bột hoà với dấm đắp vào trị mụn nhọt sưng tấy.
Ở Vân Nam (Trung Quốc) thân củ và hoa cây Khoai nưa dùng trị thũng lựu, cảnh lâm ba kết hạch, ung tiết thũng độc, rắn độc cắn, ho đàm tích trệ, sốt rét, kinh bế, đòn ngã tổn thương, đơn độc.
Đơn thuốc của cây Khoai nưa:
- Chữa sốt rét có báng, đờm trệ, ăn không tiêu, dày da bụng; dùng Củ nưa chế 12g, Trần bì, Bách bệnh, Nam mộc hương, Ý dĩ (sao), Nga truật, Xạ can đều 10g, sắc uống. Có thể tán bột uống mỗi ngày 24g.