Khoai lang

Khoai lang

Khoai lang hay Lang - Ipomoea batatas (L.) Lam., thuộc họ Khoai lang - Convolvulaceae.

Mô tả của cây Khoai lang:

Khoai lang là dạng cây thảo sống lâu năm, có thân mọc bò, dài 2-3m. Rễ phình thành củ tròn dài, màu đỏ, trắng hay vàng. Lá có nhiều hình dạng, thường hình tim xẻ ba thuỳ sâu hay cạn, có cuống dài. Hoa màu tím nhạt hay trắng, mọc thành xim ít hoa ở đầu cành hay nách lá.

Sinh thái của cây Khoai lang:

Cây khoai lang được trồng từ lâu đời. Có thể trồng được ở nhiều điều kiện khí hậu, đất đai khác nhau, nhưng tốt nhất là đất pha cát; lượng mưa hàng năm khoảng 1000mm; không chịu hạn trong thời gian sinh trưởng.

Thường nhân giống bằng các đoạn dây, có khi người ta để dành củ để gây giống và có thể trồng bằng các mầm nẩy ra từ củ.

Phân bố của cây Khoai lang:

Khoai lang có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới châu Mỹ, lan truyền sang các đảo Thái Bình Dương, nay được trồng khắp các vùng nhiệt đới, một số vùng cận nhiệt đới và ôn đới. Ở nước ta, khoai lang được trồng khắp nơi.

Bộ phận dùng của cây Khoai lang:

Rễ (củ), dây, lá cây Khoai lang - Radix, Coulis et Folium Ipomoeae.

Thành phần hoá học của cây Khoai lang:

Củ Khoai lang chứa 24,6% tinh bột, 4,17% glucose. Khi còn tươi, củ chứa 1.3% protein, 0,1% chất béo, các diastase, tro có Mn, Ca, Cu, các vitamin A, B, C, 4,24% tanin, 1,375% pentosan. Khi đã phơi khô ở chỗ mát, trong củ có inosit, gôm, dextrin, acid chlorogenic, phytosterol, carotin, adenin, betain, cholin. Dây Khoai lang cũng chứa adenin, betain, cholin. Ngọn dây Khoai lang đỏ có một chất gần giống insulin. Lá chứa chất nhựa tẩy (1,95-1,97%).

Tính vị, tác dụng của cây Khoai lang:

Rễ, dây cây Khoai lang có vị ngọt, tính bình, hơi mát; có tác dụng bổ trung sinh tân, chỉ huyết, bài nung. Có sách ghi: Khoai lang có tác dụng nhuận tràng, bổ hư tổn, ích khí lực, mạnh tỳ thận.

Công dụng làm thuốc của cây Khoai lang:

Khoai lang thường dùng trị: 

1. Lỵ mới phát;

2. Đại tiện táo bón;

3. Di tinh, đái đục;

4. Phụ nữ kinh nguyệt không đều, loạn kỳ, máu xấu;

5. Cúm mùa hè, sốt nóng li bì, thân thể đau mỏi. Có tác giả còn cho rằng Khoai lang có thể giúp con người phòng ngừa chứng xơ cứng động mạch, hạ huyết áp, giảm béo phì và chứng già yếu. Nó cũng có khả năng chống ung thư vú và ung thư đại tràng. Lá Khoai lang (loại tím) được dùng trị bệnh đái đường.

Ở Vân Nam (Trung Quốc), rễ và dây khoai lang dùng trị dạ dày và hành tá tràng lở loét xuất huyết, băng lậu, vô danh thũng độc.

Cách dùng của cây Khoai lang:

Ngọn non và lá Khoai lang dùng ăn luộc và uống nước hàng ngày từ 60-100g. Cũng có thể dùng 30-40g lá khô sắc uống. Để chữa táo bón, dùng củ tươi gọt vỏ, nghiền nát chế nước chín, quấy đều, uống sáng sớm lúc đói 1/2 cốc to và 1/2 cốc uống vào trước bữa ăn. Cũng có thể ăn củ luộc. Có thể chế bột khoai, phối hợp với Vừng (Mè) đen sao vàng tán bột, luyện viên. Để chữa lỵ mới phát, lấy vài ba củ nướng cho đến khi cháy hết vỏ ngoài, thịt trong vừa chín đem bóc vỏ ăn lúc còn nóng, thì đại tiện thông, hết mót rặn.

Đơn thuốc của cây Khoai lang:

1.    Di tinh đái đục: Bột Khoai lang khô uống mỗi lần 15-20g vào sáng sớm và trước lúc đi ngủ.

2.    Cúm mùa hè: Khoai lang khô 1 bát. Ngấy tía 1 nắm, Sắn dây 1 nắm, Rau má 1 nắm, sắc uống.

Các câu hỏi liên quan

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...