Khoai dái

Khoai dái

Khoai dái, Củ dại, Khoai trời - Dioscorea bulbifera L., thuộc họ Củ nâu - Dioscoreaceae.

Mô tả của cây Khoai dái:

Khoai dái là dạng cây leo sống lâu năm, có một thân rễ dạng củ to với thịt củ màu vàng hay màu kem. Thân nhẵn, tròn hay hơi có cánh, trơn bóng, màu tím. Lá đơn, to tới 34x32cm, mọc so le, nhẵn, hình tim, có mũi nhọn. Ở nách lá có những củ con, mà ta gọi là dái củ, hình trứng hay hình cầu có kích thước thay đổi, có khi rất to, đường kính tới 10cm.

Hoa mọc thành bông thõng xuống; bao hoa 6; nhị 6, chỉ nhị đứng. Hoa cái trông giống hoa đực. Quả nang, mọc thõng xuống, có cánh. 

Sinh thái của cây Khoai dái:

Khoai dái mọc ở ven rừng lá rộng thường xanh, ven suối, còn được trồng ở vùng núi và đồng bằng. Nhân giống bằng thân rễ hoặc truyền thể.

Cây ra hoa vào tháng 7-10; có quả tháng 8-11.

Phân bố của cây Khoai dái:

Khoai dái phân bố ở Lào Cai, Sơn La, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Dương, Hoà Bình, Hà Nội, Nghệ An, Quảng Trị, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, An Giang.

Còn có ở Ấn Độ, Mianma, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Campuchia, Nuven Calêđôni, Ôxtrâylia, Châu Phi.

Bộ phận dùng của cây Khoai dái:

Thân rễ (Củ) và dái củ cây Khoai dái - Rhizoma et Bulbus Dioscoreae Bulbiferae, thường có tên là Hoàng dược tử - 黄药子.

Thành phần hoá học của cây Khoai dái:

Trong cây Khoai dái có glucosid độc là Diosbulbin A. Dái khoai cũng chứa một chất độc như củ.

Tính vị, tác dụng của cây Khoai dái:

Củ của những cây hoang dại có thịt đắng, màu vàng chanh hay màu kem, gây buồn nôn; có khi còn có chất dịch màu tím nhạt, có độc. Do trồng trọt mà các tính chất này của củ biến mất đi và củ trở thành ăn được. Trong y học cổ truyền, thường dùng Dái củ. Nó có vị đắng, tính bình; có ít độc, có tác dụng lương huyết, chỉ huyết, giải độc tiêu thũng, hoá đàm tán kết, tiêu anh, khư thấp.

Công dụng làm thuốc của cây Khoai dái:

Người ta thường lấy Dái củ luộc kỹ ăn. Dái khoai có độc nhưng khi rửa nhiều lần và luộc kỹ thì chất độc bị loại đi. Bột khoai dái cũng tương tự như bột ngũ cốc và bột gạo. Củ ở dưới đất không dùng ăn nhưng cũng dùng làm thuốc. Khoai dái thường dùng trị:

1. Bướu giáp (Sưng tuyến giáp trạng);

2. Viêm hạch bạch huyết do lao;

3. Loét dạ dày và đường ruột;

4. Nôn ra máu, ho ra máu, chảy máu cam, chảy máu tử cung. Dái củ có thể dùng chữa ho gà và dán hai bên thái dương chữa đau đầu, mài với nước mà uống thì mửa, giải được chất độc của thuốc. Liều dùng 10-15g, sắc uống, nếu là loét ung thư, có thể dùng liều cao, tới 30g. Dùng ngoài trị đinh nhọt, rắn cắn, chó dại cắn.

Ở Campuchia, người ta dùng củ Khoai dái trị rối loạn tuần hoàn.

Ở Ấn Độ, dái của cây Khoai dái mọc hoang dùng đắp các vết loét và dùng trong uống lẫn cumin (Thìa lìa Ai Cập), đường và sữa trị trĩ, giang mai và lỵ. Bột dái củ lẫn bơ dùng trị tiêu chảy.

Ở Trung Quốc, theo Tân biên Trung y khái yếu, củ Khoai dái dùng trị loét thực quản, loét dạ dày, sưng tuyến giáp, nôn ra máu, khạc ra máu, chảy máu cam, chảy máu dạ con, nhọt độc, rắn cắn, chó dại cắn. Dái củ trị viêm phế quản cấp, mạn và hen suyễn.

Đơn thuốc của cây Khoai dái:

1.    Bướu giáp: Dùng 200g củ, ngâm vào 1000cc rượu trắng trong một tuần, chiết lấy nước. Ngày uống 100ml rượu, chia 3-4 lần.

2.    Thổ huyết, ho khạc ra máu, chảy máu mũi: Dùng 8-16g củ khô sắc nước uống (Dùng dái củ tốt hơn).

3.    Mụn nhọt sưng tấy, rắn cắn, chó dữ cắn: Giã củ tươi, vắt lấy nước cốt uống, bã đắp vào chỗ đau.

Các câu hỏi liên quan

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...