Khoai ca

Khoai ca

Khoai ca, Sơn dịch - Aristolochia indica L., thuộc họ Nam mộc hương - Aristolochiaceae.

Mô tả của cây Khoai ca:

Khoai ca là dạng cây thảo sống nhiều năm, mọc leo quấn, không lông, có rễ to. Lá có phiến xoan, thon, gốc cắt ngang hay hình tim, 5 gân, gân bên 4-6 đôi, cuống 1cm.

Hoa 2-3 ở nách; lá bắc nhỏ; bao hoa không lông, dài 3-4cm, bầu tròn, phiến hoa thuôn, nhị 6, đầu nhụy 6. Quả nang dài 3-4cm; hạt có cánh.

Sinh thái của cây Khoai ca:

Cây khoai ca ưa ẩm, chịu bóng, thường mọc dưới tán rừng thưa, ở độ cao 200-700m.

Phân bố của cây Khoai ca:

Khoai ca phân bố ở Gia Lai, Bình Dương, Bà Rịa- Vũng Tàu.

Còn có ở Ấn Độ, Xri Lanca.

Bộ phận dùng của cây Khoai ca:

Rễ, lá cây Khoai ca - Radix et Folium Aristolochiae.

Thành phần hoá học của cây Khoai ca:

Rễ cây Khoai ca chứa một glucosid kết tinh, một chất glucosid đắng ở trạng thái vi kết tinh gọi là acid isoaristolochic, allantoin, 0,05% alcaloid aristolochin, tinh dầu chứa hợp chất carbonyl và một lượng nhỏ dầu với mùi của isovanilin. Còn có 0,52% tinh dầu.

Tính vị, tác dụng của cây Khoai ca:

Rễ cây Khoai ca có vị đắng và gây buồn nôn. Toàn cây Khoai ca có vị đắng, mùi thơm yếu, có tác dụng bổ, kích thích, điều kinh, gây nôn.

Công dụng làm thuốc của cây Khoai ca:

Toàn cây Khoai ca dùng trị ăn uống kém ngon, sốt rét định kỳ, thuỷ thũng, bạch hầu và đau họng.

Ở Ấn Độ, toàn cây Khoai ca được dùng thông thường làm thuốc bổ, kích thích; rễ được sử dụng dưới dạng bột trộn với mật ong dùng trị bạch biến; dịch lá dùng trị rắn cắn.

Các câu hỏi liên quan

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...