Khổ diệp
Khổ diệp - Picrasma javanica Blume, thuộc họ Thanh thất - Simaroubaceae.
Mô tả của cây Khổ diệp:
Khổ diệp là dạng cây gỗ cao tới 8-20m, gốc to 20-35cm. Vỏ ngoài màu xám nâu, trơn, nứt dọc nhẹ, thịt vỏ màu trắng, mềm, không xơ, dày 6-8mm, cành non mảnh, khi khô màu nâu đen, nhiều lỗ bì. Lá có cuống chung mảnh, mang 5-7 lá chét không lông, nhẵn, dài 8-13cm, rộng 3-5cm, đầu có mũi dài, gân bên 5-8 đôi, cuống phụ 2-6mm; lá kèm khá to, có dạng lá, dài đến 25mm, sớm rụng. Chuỳ hoa ở nách lá hay đỉnh cành, dài 10-25cm. Hoa nhỏ, màu trắng vàng hay hơi xanh; cánh hoa 4, cao 2mm, đồng trưởng đến 2cm; nhị 4, nhụy lép, hoa cái có 4 lá noãn. Quả hạch 1-4, tròn, trắng rồi đỏ.
Sinh thái của cây Khổ diệp:
Khổ diệp mọc rải rác trong rừng vùng núi đá vôi. Ra hoa tháng 1-4, có quả tháng 9-12.
Phân bố của cây Khổ diệp:
Khổ diệp phân bố ở Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Kon Tom, Gia Lai.
Còn có ở Ấn Độ, Mianma, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaixia, Inđônêxia.
Bộ phận dùng của cây Khổ diệp:
Vỏ rễ cây Khổ diệp - Cortex Radicis Picrasmae.
Thành phần hoá học của cây Khổ diệp:
Trong cây Khổ diệp có chất đắng là quassin, tương đồng với picrasmin.
Tính vị, tác dụng của cây Khổ diệp:
Khổ diệp có vị đắng, tính hàn, có tác dụng hạ nhiệt.
Công dụng làm thuốc của cây Khổ diệp:
Khổ diệp được dùng trị sốt như Canh ki na.
Ghi chú: Ở Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản còn có loài Khổ thụ - Picrasma quassioides (D. Don) Benn. Có cành và lá được sử dụng. Trong cây này có các thành phần hoá học Nigakilacton A-N, picrasin C-G, nigakinone, 1- hydroxymethyl-p-carboline. Cành và lá có vị đắng, tính hàn, có tác dụng kháng khuẩn tiêu viêm, khu thấp, giải độc; dùng trị cảm mạo, sưng amygdal cấp tính, viêm ruột, lở ngứa, rắn độc cắn.
Ở Ấn Độ, người ta dùng gỗ đắng thay cho cây Thằn lằn - Quassia; vỏ, gỗ và rễ hạ nhiệt, và lá dùng trị ghẻ ngứa.
Ở Vân Nam (Trung Quốc), vỏ thân, vỏ rễ, gỗ thân dùng trị khuẩn lỵ, viêm dạ dày ruột, cảm nhiễm đảm đạo, giun đũa, ghẻ ngứa, eczema.