Keo lá me
Keo lá me, Keo đẹp - Acacia concinna (Willd.) DC., thuộc họ Đậu - Fabaceae.
Mô tả của cây Keo lá me:
Keo lá me là dạng cây nhỡ leo, nhánh có gai cong nhỏ. Cuống 2-5cm, có tuyến ở nửa trên; lá lông chim 5-10 cặp, dài 3-9 cm; lá chét 10-35 cặp, hình phẳng không cân, không lông hay có lông tơ ở hai mặt; lá kèm hình tim cao 3-5 mm.
Chùm hoa dài đến 13 cm; hoa đầu chụm 2-4; đài 2-3 mm, không lông; tràng 3-4 mm; nhị nhiều; bầu có lông hay không lông. Quả to, dài 10-15 cm, rộng 1,7-2,7 cm, mập mập, lúc khô nhăn mịn; hạt bầu dục hay tròn, cao 5-10 mm, rộng 3-6,9 mm.
Sinh thái của cây Keo lá me:
Keo lá me mọc ven rừng và chỗ trống trong rừng thứ sinh, ở độ cao tới 1400m. Ra hoa tháng 3-4.
Phân bố của cây Keo lá me:
Keo lá me phân bố ở Lào Cai, Lạng Sơn, Hà Nội, Ninh Bình, Lâm Đồng.
Còn có ở Ấn Độ, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaixia, Inđônêxia, Philippin, Niu Ghinê.
Bộ phận dùng của cây Keo lá me:
Quả, lá cây Keo lá me - Fructus et Folium Acaciae Concinnae.
Thành phần hoá học của cây Keo lá me:
Trong cây Keo lá me có saponin; alcaloid. Trong các sapogenin của hạt, có p-amyrin.
Công dụng làm thuốc của cây Keo lá me:
Lá non của cây Keo lá me ăn được; quả đem ngâm vào nước, dùng gội đầu như Bồ kết.
Ở Ấn Độ, hạt cây Keo lá me được dùng nhuận tràng, long đờm và gây nôn. Lá có tính tẩy xổ, được dùng trong trường hợp rối loạn mật.
Ở Thái Lan, quả khô của cây Keo lá me dùng làm thuốc long đờm; dùng ngoài làm thuốc gội đầu cho sạch gầu và trị bệnh ngoài da.