Keo giậu

Keo giậu

Keo giậu, Táo nhơn, Bình linh, Bọ chét hay Keo giun - Leucaena leucocephala (Lam.) De Wit, thuộc họ Đậu - Fabaceae.

Mô tả của cây Keo giậu:

Keo giậu là dạng cây nhỏ cao tới 5m hay hơn, không có gai, vỏ thân màu nâu nhạt. Lá kép lông chim hai lần; cuống chung dài 12-20cm; lá lông chim 4-8 đôi; lá chét 12-18 đôi gần như không cuống và hình lưỡi liềm, dài 10-15 mm, rộng 3-4 mm.

Cụm hoa hình đầu ở nách lá, gồm nhiều hoa màu trắng. Quả đậu dẹt màu nâu, dài 13-14 cm, rộng 15 mm, đầu quả có mỏ nhọn; hạt 15¬20, dẹt, lúc non màu lục, khi già màu nâu nhạt, cứng, nhẵn.

Sinh thái của cây Keo giậu:

Cây trồng làm hàng rào giậu, làm cây che bóng và cải tạo đất. Rất dễ trồng, lớn nhanh, tái sinh khoẻ, chịu khô hạn, mọc được trên nhiều loại đất khác nhau từ vùng thấp lên tới độ cao 1200m.

Ra hoa quả hầu như quanh năm, nở rộ vào tháng 9-10.

Phân bố của cây Keo giậu:

Keo giậu có gốc ở vùng nhiệt đới châu Mỹ, được thuần hoá ở nhiều nước Đông Nam Á.

Bộ phận dùng của cây Keo giậu:

Hạt, vỏ cây Keo giậu - Semen et Cortex Leucaenae Leucocephalae.

Thu hoạch quả chín vào mùa hè - thu rồi đập lấy hạt đem phơi hay sấy khô. Có thể dùng hạt tươi. Vỏ thu hái quanh năm.

Thành phần hoá học của cây Keo giậu:

Trong cây Keo giậu có lá chứa tanin, quercitrin và là nguyên liệu cho protein và caroten. Còn có alcaloid độc là leucenin hoặc leucenol tương tự chất mimosin trong các loài thuộc chi Mimosa. Hạt chứa dầu béo, trong đó có các acid béo (palmitic, stearic, behenic, lignoceric, oleic và linoleic); hạt còn chứa chất nhầy gồm mannan, galactan và xylan.

Tính vị, tác dụng của cây Keo giậu:

Hạt Keo giậu sao vàng thì có vị hơi đắng nhạt, mùi thơm bùi, để sống thì mát, tính bình; có tác dụng trị giun, vỏ thân hành khí sơ can.

Công dụng làm thuốc của cây Keo giậu:

Để trị giun, thường dùng hạt tươi của cây Keo giậu ăn hoặc dùng hạt khô rang lên cho nở, tán bột uống, hoặc thêm đường làm thành bánh. Ngày dùng 10-15g (trẻ em) hoặc 25-50g (người lớn) uống vào sáng sớm lúc đói, liền trong 3-5 buổi sáng. Không cần dùng thuốc tẩy. Có thể phối hợp với các loại hạt khác như Sử quân tử thì hiệu quả càng cao.

Ở Vân Nam (Trung Quốc), hạt cây Keo giậu được dùng trị bệnh đái đường; vỏ thân dùng trị lo sợ loạn nhịp tim, gãy xương và ghẻ lở.

Ở Ấn Độ, người ta còn dùng vỏ cây Keo giậu làm thuốc chữa bệnh đường tiêu hoá.

Ghi chú: Keo giậu là nguồn thức ăn giàu protein cho gia súc, nhất là các loài nhai lại (trâu bò). Còn đối với các loài động vật khác như ngựa, lợn, thỏ, gà ... thì nếu ăn quá nhiều lá, có thể ngộ độc gây rụng lông và nếu ăn nhiều quả và hạt thì có triệu chứng ngộ độc như đối với Selenium. Người ta giải thích là do trong lá có alcaloid leucenin, còn trong hạt có nhiều Selenium được tích tụ lại do quá trình hấp thụ nguyên tố này trong đất trồng. Người ta đã lưu ý đến tác dụng ngừa thai của vỏ rễ và vỏ thân Keo giậu khi thí nghiệm trên chuột nhắt trắng.

Các câu hỏi liên quan

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...