Kẹn
Kẹn - Aesculus chinensis Bunge, thuộc họ Kẹn - Hippocastanaceae.
Mô tả của cây Kẹn:
Cây kẹn là dạng cây gỗ cao tới 25m, cành có nhiều lỗ bì, chồi có vẩy. Lá kép chân vịt, mọc đối, có cuống dài khoảng 25cm; lá chét 6-7, thuôn ngọn giáo, thót lại ở gốc, có mũi nhọn, hơi có răng, dài 9-16cm, rộng 3-5,5cm, dai, nhẵn. Hoa trắng, thành chuỳ dạng tháp mọc đứng hơi vượt quá lá. Quả nang 1-3 ô, mỗi ô một hạt không nội nhũ, rốn hạt rất rộng, vỏ hạt dai, lá mầm dày.
Sinh thái của cây Kẹn:
Cây kẹn mọc rải rác trong rừng thường xanh, rừng thứ sinh, vùng núi đá vôi, ở độ cao tới 700m. Rụng lá trong mùa khô. Ra hoa tháng 2-3, có quả tháng 9-10.
Phân bố của cây Kẹn:
Cây kẹn phân bố ở Sơn La, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Giang, Ninh Bình, Thanh Hoá. Cũng được trồng ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Bộ phận dùng của cây Kẹn:
Hạt cây Kẹn - Semen Aesculi; thường gọi là Sa la tử - 楸楞子. Vỏ giữa thân cây cũng được dùng.
Thành phần hoá học của cây Kẹn:
Trong cây kẹn có chất dầu có màu và chua, có hàm lượng chất béo là 27-30%. Khô dầu chứa 36% tinh bột. Hạt còn chứa các saponozit triterpen làm cho nó chát và đắng; chất chính là aescin; còn có acid oleic.
Tính vị, tác dụng của cây Kẹn:
Hạt kẹn có vị ngọt, tính ấm, có tác dụng lý khí khoan trung, hoà vị chỉ thống, vỏ có tác dụng sát trùng, an thần, giảm đau.
Công dụng làm thuốc của cây Kẹn:
Vỏ cây kẹn thường được dùng trị bệnh lỵ, đau đầu và kích thích tiêu hoá. Hạt được dùng chữa ngực bụng oi bức khó chịu, bụng dạ đau đớn. Hạt cũng được dùng để ép dầu; dầu này có thể dùng làm xà phòng cứng.
Nhân dân thường dùng vỏ để duốc cá.