Kê huyết đằng
Kê huyết đằng, Cây máu gà - Callerya reticulata (Benth.) Schot (Millettia reticulata Benth.), thuộc họ Đậu - Fabaceae.
Mô tả của cây Kê huyết đằng:
Kê huyết đằng là dạng cây leo; nhánh không lông, vặn. Lá dài 10-15cm; lá chét 5-9, thon, dài khoảng 7cm, rộng 2,5 cm, mỏng, giòn, không lông, gân bên 4-6 đôi, gân bậc ba thành mạng mịn; cuống phụ 2-3mm; lá kèm phụ 2-3mm.
Cụm hoa chùy hình lăng trụ ở ngọn, gần nhẵn hoặc có lông màu hung; lá bắc hình mũi dùi. Hoa màu đỏ, xếp rất sít nhau ở đầu các nhánh hoa. Đài hình ống, màu trăng trắng. Cánh hoa màu đỏ, nhẵn. Quả đỏ nâu, thót lại ở gốc, thắt lại nhiều hay ít giữa các hạt, chứa 3-6 hạt to 8-10mm.
Sinh thái của cây Kê huyết đằng:
Kê huyết đằng mọc ở hàng rào, trảng cây bụi, ven rừng, trong rừng rậm thường xanh, ở độ cao tới 1000m.
Ra hoa tháng 5-6.
Phân bố của cây Kê huyết đằng:
Kê huyết đằng phân bố ở Lạng Sơn, Quảng Ninh. Nhiều địa phương có trồng. Còn có ở Trung Quốc.
Bộ phận dùng của cây Kê huyết đằng:
Rễ, dây cây Kê huyết đằng - Radix et Caulis Calleryae; thường gọi là Kê huyết đằng - 鸡血藤.
Thu hái dây quanh năm, phơi héo, thái phiến, đồ, phơi khô dùng.
Tính vị, tác dụng của cây Kê huyết đằng:
Thân dây của cây Kê huyết đằng có vị đắng, tính ấm. Rễ thư cân hoạt huyết, trấn tĩnh; dây tán khí, tán phong, hoạt huyết, thông kinh hoạt lạc.
Công dụng làm thuốc của cây Kê huyết đằng:
1. Trị thiếu máu;
2. Kinh nguyệt không đều, bế kinh; di tinh;
3. Phong thấp gân cốt đau, lưng đau gối mỏi;
4. Đau dạ dày. Dùng 15-30g, sắc nước uống, hoặc ngâm rượu uống, có thể dùng dây nấu cao. Rễ còn dùng làm thuốc sát trùng.
Ở Vân Nam (Trung Quốc), rễ và dây cây Kê huyết đằng dùng trị di tinh, ra mồ hôi trộm (đạo hãn), kinh nguyệt không đều, đòn ngã tổn thương, lưng gối mỏi đau, tê liệt.