Ké hoa đào

Ké hoa đào

Ké hoa đào, Ké hoa đỏ - Urena lobata L., thuộc họ Bông - Malvaceae.

Mô tả của cây Ké hoa đào:

Ké hoa đào là dạng cây nhỏ cao chừng 1m hay hơn. Cành có lông hình sao. Lá mọc so le, chia thuỳ nông, mặt trên xanh, mặt dưới xám, có lông, mép khía rảng, gân chính có một tuyến ở gốc.

Hoa màu hồng như hoa đào, mọc riêng lẻ hay thành đôi ở nách lá. Quả hình cầu dẹt, có lông, chia 5 mảnh, phía trên có nhiều gai móc. Hạt có vân dọc.

Sinh thái của cây Ké hoa đào:

Ké hoa đào mọc rải rác ven rừng, bãi đất hoang ven đường. Ra hoa tháng 3-7.

Phân bố của cây Ké hoa đào:

Ké hoa đào phân bố rất phổ biến ở Việt Nam.

Còn có ở Trung Quốc và các nước nhiệt đới khác.

Bộ phận dùng của cây Ké hoa đào:

Rễ, toàn cây Ké hoa đào - Radix et Herba Urenae Lobatae.

Thành phần hoá học của cây Ké hoa đào:

Hạt cây Ké hoa đào chứa urenase.

Tính vị, tác dụng của cây Ké hoa đào:

Ké hoa đào có vị ngọt dịu, tính mát, không độc, có tác dụng tiêu viêm trừ thấp, lợi tiểu. Rễ khư phong hoà huyết, thanh nhiệt lợi thấp, giải độc tiêu thũng.

Công dụng làm thuốc của cây Ké hoa đào:

Rễ cây Ké hoa đào dùng chữa:

1. Thấp khớp, đau khớp;

2. Cảm cúm, viêm amygdal;

3. Viêm ruột, lỵ, tiêu hoá kém;

4. Bạch đới;

5. Sốt rét;

6. Bướu giáp.

Liều dùng 15-30g, dạng thuốc sắc. Dùng ngoài, lấy toàn cây Ké hoa đào trị chấn thương bầm giập, gãy xương, vết thương, viêm vú, rắn cắn. Dùng cành lá giã đắp.

Ở Ấn Độ, người ta dùng rễ cây Ké hoa đào làm thuốc đắp ngoài trị tê thấp. Người ta thường dùng phối hợp với các vị thuốc khác. Để chữa lỵ, thêm lá cây Ba chẽ. Để chữa rong huyết, thêm Mần tưới, Chỉ thiên, Mã đề. Để chữa bạch đới, khí hư, thêm Chua ngút, Bòng bong lá to.

Dân gian còn dùng rễ Ké hoa đào sắc uống chữa hen.

Các câu hỏi liên quan

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...